(HNM) - Thời gian qua, tại Việt Nam, tràn dầu là một trong những sự cố gây ảnh hưởng lớn tới môi trường...
Tiềm tàng sự cố tràn dầu
Việt Nam là quốc gia ven biển, có vùng biển là một trong những trục hàng hải với lưu lượng tàu bè qua lại lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu. Theo đánh giá của Viện Tài nguyên môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ năm 1989 đến nay, trên vùng biển nước ta xảy ra gần 100 vụ tràn dầu, nguyên nhân chủ yếu là các tàu chở dầu gặp tai nạn, va chạm với các tàu khác. Hơn nữa, trải dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc vào Nam có nhiều cảng vận tải biển, cảng dầu. Trong khi đó, hằng năm, vùng biển và khu vực ven biển Việt Nam chịu tác động của nhiều trận bão lớn cùng diễn biến thời tiết bất thường, thực sự là mối nguy tiềm tàng dẫn tới sự cố tràn dầu.
Hệ thống phao nổi quây gom dầu tràn tại vùng biển Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: HIỂN CỪ |
Theo ông Phan Đình Khuyến, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Đông Bắc Bộ, chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Ở Việt Nam có hai khả năng ứng phó sự cố tràn dầu, một là ứng phó đối với những sự cố xảy ra ở trong sông và khu vực có sóng nhỏ như vịnh. Hai là ứng cứu ở khu vực ngoài biển. Việc ứng cứu ở khu vực ngoài biển yêu cầu một số tiêu chuẩn và điều kiện cao hơn so với các phương án ứng cứu ở trong sông.
Ông Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ môi trường T.Đ.A Hải Phòng cho biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg về việc hướng dẫn cho các đơn vị lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một vướng mắc lớn là các trang thiết bị tìm mua từ nước ngoài về khó phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Trang thiết bị nhập khẩu phù hợp với việc xử lý các vụ tràn dầu lớn, phạm vi cần xử lý rộng trong khi Việt Nam có những cơ sở cảng nhỏ, nhiều bến bãi ở trong sông với các cửa hàng xăng dầu trên mặt nước. Xuất phát từ thực tế đó, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường T.Đ.A đã đặt ra nhiệm vụ tự sản xuất các trang thiết bị phục vụ cho việc xử lý sự cố tràn dầu.
Phù hợp với điều kiện Việt Nam
Sau khi nghiên cứu tìm hiểu công nghệ của nước ngoài, nhóm kỹ sư của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường T.Đ.A đã nghiên cứu chế tạo một hệ thống thiết bị khắc phục sự cố tràn dầu bằng phương pháp cơ học, bao gồm phao nổi, đầu hút dầu và hệ thống bơm chống tràn dầu, khá phù hợp với điều kiện của Việt Nam cả về giá cả và địa hình, môi trường... Hiện nay, các thiết bị này được trang bị cho Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Cảng Hải Phòng và Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Đông Bắc Bộ. Khi xảy ra sự cố, hệ thống này sẽ quây gom, dồn dầu vào một vị trí nhất định để tránh việc dầu lan trên diện rộng, sau đó thu gom, xử lý. Váng dầu đã gom lại sẽ được hút hoặc bơm lên kho chứa. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng khống chế, thu gom lượng dầu tràn ra sông, ra biển.
Nhóm kỹ sư đã thiết kế ra phao ngăn dầu bằng chất liệu chuyên dụng có thể nổi và quây dầu với diện tích lớn trên mặt nước, chịu được nắng mưa suốt ngày đêm. Đặc tính của loại phao quây này là thân phao được làm bằng vật liệu polyester chuyên dụng. Hai bên thân phao là tấm nổi bằng vật liệu polyethylene để nâng phao. Bên trong phao là xốp nổi, phần thân phao chìm bên dưới mặt nước được gia cố bằng hệ thống dây xích giúp phao ổn định khi gặp dòng chảy mạnh. Hệ thống này cũng giúp ngăn chặn dầu chảy ra bên ngoài từ dưới thân phao. Để đáp ứng đòi hỏi về tốc độ ứng phó sự cố, nhóm nghiên cứu đã cải tiến phao thành từng đoạn có chiều dài 10-20m, có thể đấu nối với nhau một cách linh hoạt bằng các khớp nối có chốt.
Ông Nguyễn Mạnh Tuân cho biết, hệ thống bơm hút dầu của nước ngoài có công suất thấp nhất là 10m3/giờ, hệ thống công suất lớn có thể lên tới 30m3/giờ. Còn hệ thống được sản xuất ở Việt Nam có loại công suất 5m3/giờ, 7m3/giờ, phù hợp với các cảng nhỏ và có tính cơ động cao hơn.
Từ năm 2014 tới nay, nhóm kỹ sư Việt Nam vẫn không ngừng cải tiến công nghệ. Phao quây dầu được sản xuất theo yêu cầu của từng cảng, theo chiều cao của sóng. Có loại phao đáp ứng sóng biển tới cấp 4, với chiều cao sóng từ 1,5 đến 3m. “Trang thiết bị của nước ngoài phải đặt trên tàu và phải có cần cẩu thì mới sử dụng được. Việt Nam có đặc thù là nhiều cửa sông, cảng biển, nhiều bến thủy nội địa, có những nơi không thể có tàu, thuyền hay đưa cần cẩu đến được. Bởi thế, chúng tôi đã chế tạo những bộ hút dầu và đầu gạn chỉ nặng từ 18 đến 30kg, chỉ cần 2 đến 3 người là có thể khênh bê được”, ông Nguyễn Mạnh Tuân cho hay.
Cùng chia sẻ về vấn đề nói trên, ông Phan Đình Khuyến cho biết, hệ thống này phù hợp cả về giá thành và điều kiện của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.