Môi trường

Úng ngập nội đô Hà Nội, vì sao?

Kim Nhuệ - Dạ Khánh 29/09/2023 16:55

Cùng xảy ra mưa lớn, khu vực ngoại thành Hà Nội ít bị ngập lụt và thiệt hại. Còn khu vực nội thành thì ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Vì sao có tình trạng này, biện pháp nào khắc phục đang là vấn đề dư luận quan tâm?

mua-lon-cm.jpg
Đợt mưa lớn vừa qua, nhiều diện tích trồng lúa của khu vực ngoại thành Hà Nội không bị ngập.

Ngoại thành thiệt hại không quá lớn

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, đêm qua và sáng nay (29-9), thành phố Hà Nội tiếp tục mưa rất to; lượng mưa từ 1h ngày 28-9 đến 1h ngày 29-9 phổ biến 70-120mm, một số nơi lớn hơn, như: Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) là 285,2mm, Chợ Cháy (huyện Ứng Hòa) 263,8mm, Hoài Đức 241,9mm, Hà Đông 169,6mm, Phú Xuyên 152,8mm...

“Tính tổng lượng mưa từ ngày 27 đến 29-9, đợt mưa này lớn nhất từ đầu năm 2023 đến nay”, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương đánh giá.

Do dải hội tụ hoạt động yếu dần, nên từ chiều nay, mưa tại thành phố Hà Nội giảm dần về cường độ và diện mưa. Sáng 30-9 và ngày 1-10, Hà Nội mưa rào ở vài nơi, cường độ không lớn như những ngày trước đó.

Để giảm ngập úng khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, ngày 28 và 29-9, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã vận hành 35 trạm, 164 tổ máy bơm với tổng lưu lượng 640.000m3/h; trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 23 trạm bơm với 80 máy bơm tiêu úng cho các quận, huyện: Hà Đông, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các quận, huyện có lượng mưa lớn, như: Hà Đông, Thanh Trì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ... cho biết, đến trưa nay, phần lớn khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp đã cạn nước, giao thông đi lại bình thường.

“Dù lượng mưa lớn, nhưng không gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp của huyện. Hiện huyện chỉ còn khoảng 11% diện tích lúa mùa chưa thu hoạch, nước chưa ngập tới cổ bông lúa. Hơn nữa, các xã, thị trấn chưa tập trung gieo trồng cây vụ đông...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường thông tin.

Riêng huyện Hoài Đức, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cao Văn Tuyến, cho biết: “Đến trưa nay, trên địa bàn huyện chỉ còn 1 xóm ở thôn Hậu Ái và Khu đô thị HUD (thuộc xã Vân Canh) còn đọng nước. Đây là khu vực trũng thấp nhất của huyện. Nếu trời không mưa lớn, chiều nay, hai khu vực này sẽ cạn nước”.

Theo ông Tuyến, để giải bài toán úng ngập cho huyện Hoài Đức và Đan Phượng, việc quan trọng là đầu tư nâng cấp Trạm bơm Đào Nguyên và đẩy nhanh tiến độ thi công kênh La Khê để vận hành tối đa công suất Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.

Đồng quan điểm trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho biết, trong đợt mưa này, công ty chỉ vận hành 2-5 tổ máy. Nguyên nhân là do chưa hoàn thành kênh dẫn La Khê và nhiều đoạn sông Nhuệ bị bồi lắng, nghiêm trọng nhất là đoạn từ quận Bắc Từ Liêm đến quận Hà Đông.

“Để phòng, chống úng ngập cho các quận, huyện: Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm..., cần thiết đẩy nhanh tiến độ xây dựng kênh La Khê, bố trí kinh phí nạo vét trục tiêu chính sông Nhuệ”, ông Hưng nói.

noi-thanh1.jpg
Nhiều vực nội đô Hà Nội bị ngập lụt sau trận mưa lớn sáng 28-9.

Úng ngập khu vực đô thị - do đâu?

Lý giải nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực đô thị Hà Nội xảy ra úng ngập sâu và diện rộng sau trận mưa sáng 28-9, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, bên cạnh hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, thì còn do mưa với lưu lượng lớn xảy ra trên diện rộng và liên tiếp trong thời gian ngắn.

Cụ thể, đợt mưa thứ nhất từ 0h đến 6h ngày 28-9 đã ghi nhận lượng mưa kỷ lục... Khi nước vẫn chưa kịp tiêu thoát thì nội đô tiếp tục đón nhận trận mưa trắng trời thứ hai, tập trung trong thời gian ngắn (từ 8h đến 9h), trong đó nhiều quận, huyện tiếp tục ghi nhận lượng mưa lớn như: Hà Đông 124,4mm; Hoàng Mai 123mm; Thanh Xuân 91,2mm...

Như vậy, chỉ trong khoảng 8-9h, hầu hết các quận, huyện đã đón lượng mưa kỷ lục với mức thấp nhất 88mm (Ba Đình), cao nhất lên đến 248,6mm (Mỹ Đức). Trong đó, khu vực nội đô có 6 quận ghi nhận lượng mưa từ 150-226mm.

Trong khi đó, hệ thống thoát nước khu vực đô thị Hà Nội mới được đầu tư cải tạo cơ bản đồng bộ ở lưu vực sông Tô Lịch (phạm vi 77,5km2, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai) nên cơ bản mới chỉ đáp ứng yêu cầu thoát nước với cường độ mưa 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống, 50mm/giờ đối với hệ thống cống.

do.jpg
Nhiều khu vực đô thị Hà Nội bị ngập sâu sau trận mưa lớn sáng 28-9.

Còn các khu vực khác: Long Biên (thuộc lưu vực sông Cầu Bây); Hà Đông, Nam Từ Liêm (thuộc lưu vực sông Nhuệ) thời quan qua có tốc độ đô thị nhanh, song hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo đồng bộ, vẫn chủ yếu tự tiêu, tự chảy theo mương nông nghiệp và phụ thuộc nhiều vào mực nước các sông: Nhuệ, Cầu Bây.

Hơn nữa, một số trạm bơm tiêu chính theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10-5-2013), như: Trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây); Trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây) và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa... chưa được đầu tư xây dựng; Trạm bơm Yên Nghĩa (công suất 120m3/giây) đã hoàn thành đầu tư xây dựng từ năm 2021, song kênh dẫn nước về trạm bơm (kênh La Khê) vẫn thi công dang dở...

Trận mưa hôm qua gây ngập sâu và kéo dài tại một số khu vực còn do các vùng phía dưới tiếp nhận dòng chảy từ Hà Nội (sông Nhuệ, sông Cầu Bây) là sông Đáy, Bắc Hưng Hải mực nước cũng đang dâng cao do ảnh hưởng của mưa lớn (cả Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đều xảy ra ngập). Vì vậy, nước trên các sông Nhuệ, Cầu Bây thoát chậm, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước khu vực Hà Nội.

Để giải quyết tình trạng úng ngập tại nội đô Hà Nội mỗi khi xảy ra mưa lớn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho rằng, cần thiết đầu tư, cải tạo đồng bộ hạ tầng hệ thống thoát nước từ cống, kênh, sông, mương, hồ điều hòa; đầu tư xây dựng các trạm bơm cục bộ và các trạm bơm đầu mối theo Quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt. Có như vậy mới cchủ động điều chỉnh được mực nước trên hệ thống thoát nước trước, trong và sau mưa; tránh tình trạng nước tự tiêu, tự chảy như một số khu vực hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với các khu vực trũng, xa nguồn tiêu (còn tồn tại một số trọng điểm úng ngập tại khu vực đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước): Khu vực Bát Đàn - Nhà Hỏa, Phùng Hưng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt... cần có giải pháp thoát nước cục bộ, như đầu tư xây dựng hầm chứa nước, kết hợp cải tạo đồng bộ hệ thống cống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hệ thống thoát nước đang triển khai như dự án cải tạo mương thoát nước Thụy Khuê...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Úng ngập nội đô Hà Nội, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.