Những ngày qua, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đời sống nhân dân... Các địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả, sẵn sàng ứng phó mưa lớn trở lại.
Mưa lớn gây thiệt hại nhiều nơi
Từ hôm qua đến trưa nay (28-9), nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội mưa to đến rất to trên diện rộng. Mưa lớn đã làm úng ngập nhiều tuyến phố thuộc khu vực nội thành, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong sáng và trưa nay. Đặc biệt, tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), mưa lớn làm 1 cây xanh đổ vào 2 xe ô tô (không gây thiệt hại về người); tại phường Phú Lương (quận Hà Đông), mưa lớn làm ngập sân, tràn nước vào lớp học ở Trường Tiểu học Phú Lương 2. Nhà trường đã phải cho học sinh nghỉ học.
Tại khu vực ngoại thành, mưa lớn làm ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, thiệt hại cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, tại huyện Mỹ Đức, mưa lớn làm ngập 182ha rau màu, cây trồng vụ đông thuộc các xã: Phúc Lâm, Bột Xuyên, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đốc Tín...; tràn bờ khoảng 40ha nuôi trồng thủy sản. Tại huyện Chương Mỹ, mưa lớn đã làm sạt lở 5m đê hữu Bùi, đoạn thuộc Trạm bơm Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến). Tại huyện Ứng Hòa, mưa lớn gây sạt trượt 10m mái thượng lưu đê tả Đáy, đoạn thuộc địa phận xã Viên Nội...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, huyện đã thành lập 4 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo đơn vị liên quan hướng dẫn nhân dân biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, hỗ trợ các hộ dân tôn cao bờ diện tích nuôi trồng...
Huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu sự cố đê điều trên địa bàn; đồng thời, cắm biển cảnh báo, căng dây làm rào chắn bảo đảm an toàn giao thông...
Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã kịp thời mở cống tiêu tự chảy, vận hành 35 trạm bơm với tổng lưu lượng 640.000m3/h để bảo vệ diện tích lúa mùa chưa thu hoạch và diện tích cây vụ đông mới gieo trồng, giảm úng ngập dân cư khu vực ngoại thành. Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội kịp thời mở phai các hồ điều hòa: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đầm Chuối…; vận hành các trạm bơm đầu mối: Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; huy động lực lượng, phương tiện tua vớt rác hệ thống thoát nước đô thị; phối hợp Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành các trạm bơm, cửa phai để hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành...
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tính đến 17h chiều nay, nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội thành đã thoát nước, giao thông đi lại bình thường. Các đơn vị, địa phương đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa cây gãy đổ, bảo đảm an toàn giao thông...
Còn Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18h ngày 28-9, mưa lớn tại tỉnh Thanh Hóa đã làm 1.078ha lúa và 2.417ha hoa màu bị úng ngập. Tỉnh Nghệ An còn 145 ngôi nhà và 1.867ha lúa, 3.340ha hoa màu bị ngập; 927 gia đình ở huyện Kỳ Sơn bị cô lập do ngập ngầm tràn không qua lại được...
Còn tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, mưa lũ đã làm 1 người ở tỉnh Hòa Bình bị chết do lũ cuốn trôi, 3 người ở tỉnh Sơn La mất tích; 84 ngôi nhà ở tỉnh Hòa Bình bị ngập, nước lũ cô lập; 75 ngôi nhà ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ bị hư hỏng do sạt lở đất; 14.782ha lúa ở các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Lào Cai bị thiệt hại... Nhiều tuyến giao thông thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình bị sạt lở...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống, giải tỏa đất đá sạt lở để thông các tuyến giao thông quan trọng.
Hà Nội: Chủ động ứng phó mưa lớn trở lại
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do hội tụ gió trên cao hoạt động yếu dần nên từ chiều tối nay đến sáng mai (29-9), thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to và dông; tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi lớn hơn. Từ trưa mai (29-9), mưa tại Hà Nội giảm dần về lượng và diện. Thời gian tới, Hà Nội vẫn có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc; đổ cây xanh và úng ngập đô thị...
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiệt hại do mưa, ngập úng, ngày 28-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình mưa lũ trên địa bàn, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng trũng thấp có khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, không để người dân nào thiếu đói, không có chỗ ở.
Cùng với biện pháp trên, các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cở sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là công trình xung yếu.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời; trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai và thiệt hại về Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.