Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủng hộ phương án tăng lương, nhưng phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 02/11/2012 18:08

Đáp ứng nguyện vọng của người hưởng lương, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét phương án tăng lương ngay khi xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 tại Kỳ họp thứ 4 này. Qua thảo luận ở tổ và ở hội trường, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.


Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, bà ủng hộ phương án tăng lương mà Bộ Tài chính công bố, nhưng cần có cách giải quyết dài hạn.

Bà Trương Thị Mai cho rằng: Khu vực hành chính Nhà nước phải tiếp tục đi lên và phải đạt mức lương cơ bản để người ta an tâm với công việc, toàn tâm toàn ý đóng góp cho Nhà nước. Khu vực dịch vụ công là khu vực có thu, hoạt động theo Luật viên chức, hoàn toàn tạo cơ chế có lộ trình tăng giá học phí, tăng giá viện phí, tăng các dịch vụ công cơ bản, dùng cái đó để mà quay trở lại cho các đơn vị này có thể hoạt động hiệu quả hơn, chuyển động một cách mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng. Theo đó, có thể lấy lương từ khu vực dịch vụ này hiện nay chuyển sang cho khu vực hành chính.“Chúng ta không thể sử dụng một tỷ lệ quá cao ngân sách để chi cho lương, mà chúng ta chỉ có thể sử dụng một phần hợp lý; phải phân công lại, phải đầu tư cho an sinh xã hội, cho đầu tư công, chứ người dân không thể chấp nhận một bộ máy Nhà nước quá đông, và sử dụng toàn bộ ngân sách quá lớn để mà trả cho tiền lương được”- Bà Trương Thị Mai nói.

Về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong tình hình hiện nay, giải quyết vấn đề tiền lương mà không có đề án cải cách chính sách tiền lương một cách khoa học và có cơ sở, tính khả thi mà vẫn giữ nguyên theo hệ thống cũ để điều chỉnh tiền lương tối thiểu, trên cơ sở đó, điều chỉnh mức lương khác tự động lên theo, trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay không được chấn chỉnh là một cách làm lãng phí về mặt tiền bạc.

Ông Đặng Như Lợi phân tích thêm: Tiền lương phải là đòn bẩy kích thích, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức nhưng cũng đòi hỏi cán bộ, công chức phải trả lại giá trị lao động tương ứng với tăng tiền lương như thế nào. Từ trước tới nay, 20 năm rồi ta không làm được điều này. Tiền lương năm 1993 chỉ là tiền lương của thời kỳ chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung bước đầu sang cơ chế thị trường. Còn bây giờ, đã sang cơ chế thị trường rồi thì không thể giữ hệ thống tiền lương của năm 1993 lại tiếp tục điều chỉnh. Mặc dù năm 2004 có một vài sửa đổi nhưng cơ bản vẫn dựa vào năm 1993. Như vậy, nếu điều chỉnh khi chưa có đề án cải cách tiền lương là lãng phí.


Theo ông Đặng Như Lợi, tình hình hiện nay rất nhạy cảm, vì cứ thấy tăng lương đã tăng giá cả lên cao. Vậy tăng lương để làm gì? Giải quyết được vấn đề gì ngoài ý nghĩa cầm một số tiền lớn hơn. Chỉ có người hưởng lương mới có điều này. Còn những người có thu nhập bình thường không được tăng lương, không làm công hưởng lương, việc này tính thế nào?

“Tôi rất muốn cải cách tiền lương nhưng đi liền với đó là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng thực thi công vụ. Phải có biện pháp để gắn với việc tăng lương. Nếu không làm tốt công vụ thì không có tiền lương mới”. nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi đề xuất.

Còn theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quan tâm rà soát điều chỉnh sớm các bất hợp lý về tổ chức biên chế, chính sách cán bộ và tiền lương trong cả hệ thống chính trị, đảm bảo sự công bằng hợp lý và đồng bộ. Hiện nay, chế độ đãi ngộ mức lương của các cơ sở còn bất cập, chưa đáp ứng với cường độ làm việc và sự lăn xả với nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh từ cơ sở.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi cho rằng, khi thực hiện phụ cấp 30% dành cho cán bộ làm công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể, nhưng cán bộ cấp xã không được hưởng, điều này gây không ít bức xúc cho cán bộ cơ sở. Khi tiếp xúc cử tri, cán bộ cấp xã rất tâm tư, vì qua nhiều lần nâng lương, lương thấp thì vẫn thấp, bởi vì cách Chính phủ nâng lương là lấy lương huyện để nhân tỷ lệ phần trăm, cho nên người nghỉ hưu sớm lương thấp vẫn thấp, mức chênh lệch giữa những cán bộ hưu có cùng chức danh công việc vẫn tiếp tục cách xa. Theo đó, đại biểu Đặng Thị Kim Chi kiến nghị, trong đề án cải cách tiền lương lần này, Chính phủ cần giải quyết căn cơ, cần nâng mức lương tối thiểu của người nghỉ hưu trước năm 1993, rồi mới nhân tỷ lệ phần trăm để đảm bảo được công bằng trong thu nhập.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hoá), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội chia sẻ, trong dự toán, kế hoạch phân bổ ngân sách ban đầu Chính phủ không bố trí được nguồn tăng lương do tình hình kinh tế khó khăn, nay trình tăng 100.000 đồng/người/tháng. Trước hết, đó là sự nỗ lực lớn của Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn cân đối ngân sách. Còn tăng nhiều hay ít thì cần phải bàn luận thêm, vì từ nay đến khi chúng ta quyết định phân bổ ngân sách vào cuối kỳ họp vẫn còn thời gian. Khi đó, Quốc hội sẽ quyết tăng thế nào, tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: Tăng lương phải có lộ trình

Chúng tôi đã làm việc với người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề tăng lương. Người sử dụng lao động cũng đồng ý tăng lương; nhưng họ cũng phản ánh là đang gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng… Tăng lương là để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người lao động. Điều tra xã hội về mức sống của người lao động, hiện nay lương tối thiểu chỉ đảm bảo được trên 60% nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng phải có lộ trình. Nếu mình đòi hỏi quá, doanh nghiệp đóng cửa thì người lao động cũng không có việc làm chứ chưa nói đến thu nhập.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ủng hộ phương án tăng lương, nhưng phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.