(HNM) - Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” được đánh giá là chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước thành công nhất. Việc thực hiện thành công chương trình đã khẳng định hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2016-2020, góp phần đưa trình độ khoa học và công nghệ về y dược nước ta theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại
“Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/16-20) là chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ năm 2016, nhằm ứng dụng và phát triển các kỹ thuật khoa học và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y dược, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao ngang với các nước đứng đầu ASEAN, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật ở người...
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 cho biết, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. Trong đó có 41 công bố quốc tế, đào tạo 79 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú và 49 tiến sĩ... Thông qua thực hiện chương trình, các nhà khoa học trong lĩnh vực y dược đã công bố 36 bài báo quốc tế, 223 bài báo khoa học trong nước và đăng ký 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích...
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, một trong những thành công lớn nhất của chương trình, đó là nhiều kỹ thuật trước đây Việt Nam chưa làm được hoặc đã làm được nhưng kết quả còn hạn chế, đến nay, đã thực hiện ở trong nước khá phổ biến. Tiêu biểu là đã thực hiện thành công ca ghép phổi trên người. Sau thành công này, quy trình ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não đã phát triển ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, với nhiều kỹ thuật ghép khác nhau. Những kết quả này đã đưa trình độ khoa học và công nghệ về y dược ở nước ta theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chương trình KC.10/16-20 đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với điều trị ở nước ngoài, như: Ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị... Cụ thể, kỹ thuật sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện đang ứng dụng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai; phương pháp sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu đang được ứng dụng điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu trung ương; sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị chấn thương sọ não, hiện đang được ứng dụng tại Bệnh viện trung ương Huế; sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị đột quỵ não, hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108; ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối hiện đang được ứng dụng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…
Bên cạnh đó, chương trình đã góp phần thực hiện chính sách công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp nhiều đối tượng có điều kiện được tận hưởng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học
Bên cạnh những thành công của Chương trình KC.10/16-20, các nhà khoa học cũng cho biết, quá trình triển khai dự án, đề tài nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là cơ chế tài chính, thủ tục thanh quyết toán vẫn rất phức tạp. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, cần đổi mới cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các chủ nhiệm đề tài, dự án. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học có thể chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, cần đổi mới phương thức quản lý trong giai đoạn tới, cụ thể giao toàn quyền cho các nhà khoa học lựa chọn người đủ năng lực tham gia nghiên cứu, phía cơ quan quản lý chỉ quản lý bằng sản phẩm, kết quả, đầu ra của đề tài. Còn theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang, cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong điều trị, phòng bệnh và đưa sản phẩm vào cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả mà chương trình đạt được cũng như những nỗ lực của Ban Chủ nhiệm chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học. Về định hướng giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, để nâng cao hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, Bộ đang thay đổi trong công tác quản lý, như về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cách thức thực hiện các chương trình. Bộ cũng đang tập trung xử lý, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn quản lý các chương trình, thông tư tài chính để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học đam mê cống hiến, tập trung cao nhất cho chuyên môn và không bị khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.