(HNM) - Trong khi nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh chưa được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tương xứng thì thời gian gần đây, hàng chục di sản khác của Việt Nam lại tiếp tục "xếp hàng" chờ đến lượt ứng cử, khiến nhiều người lo ngại về một "hội chứng" đang hình thành.
Di sản phố cổ Hội An khẳng định được giá trị của mình sau khi được UNESCO công nhận. Ảnh: Đàm Duy |
Lợi ít, hại nhiều?
Ngoài 17 di sản (DS) đã được UNESCO vinh danh, hiện nay nước ta có hơn 10 DS văn hóa khác đang "xếp hàng" chờ đến lượt. Đó là Khu di tích và danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã hoàn thiện hồ sơ gửi tới UNESCO ứng cử là DS văn hóa thế giới; Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng; quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã được Bộ VH,TT&DL đồng ý cho lập hồ sơ đề cử là DS thiên nhiên thế giới. Ở loại hình phi vật thể, Việt Nam có DS Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đang trên lộ trình chinh phục danh hiệu DS văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày, xòe Thái Tây Bắc, dân ca xứ Nghệ, nghệ thuật Bài Chòi (Bình Định), nghi lễ chầu văn của người Việt, lễ Quá tang (Cấp sắc) của dân tộc Dao (Yên Bái)… cũng xin được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh.
Nói về "phong trào" ứng cử DS thế giới, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia bức xúc: "Dường như danh hiệu UNESCO trao cho DS của các địa phương đang bị coi như một danh hiệu thi đua, việc chuẩn bị hồ sơ vận động công nhận DS thế giới đang trở thành cuộc đua giữa các tỉnh, thành. Do đó, không ít nơi tìm mọi cách, bằng mọi giá để có được danh hiệu, nhưng sau lễ đón bằng DS được tổ chức rầm rộ, hoành tráng, nhiều DS bị rơi vào quên lãng". Khách quan mà nói, với một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như Việt Nam thì số lượng các DS đã được UNESCO công nhận và đang chờ đợi được công nhận không phải là nhiều. Điều đáng nói ở đây là việc lập hồ sơ ứng cử DSVH thế giới vừa có lợi và không có lợi. Nếu DS được công nhận thì địa phương "sở hữu" DS có thêm địa chỉ văn hóa tin cậy để phát triển ngành "công nghiệp không khói". Nhưng nếu mải chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt mà "ăn xổi" vốn DS, khiến một số DS vật thể bị biến dạng, gây ô nhiễm môi trường thì DS sẽ mất dần giá trị trong lòng công chúng. Mặt khác, để hoàn thành bộ hồ sơ DS, các địa phương phải chi phí một khoản tiền không nhỏ cho công tác điều tra, tư vấn, hội thảo khoa học, xin ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, cho nên hồ sơ DS được lập ồ ạt, thiếu chọn lọc sẽ rất lãng phí.
Nghệ thuật hát Then đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng hiện tại chỉ có hai nghệ nhân ở Tuyên Quang còn nắm giữ làn điệu Then cổ. Ảnh: TTXVN |
Xót lòng di sản
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam chỉ có 2 DS đã vinh danh là phố cổ Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế bước đầu khẳng định được giá trị, gây tiếng vang trong nước, quốc tế. Hầu hết di sản còn lại chưa đạt được điều đó. Quan họ là DS phổ biến, phổ thông nhất trong 6 DS phi vật thể thế giới ở Việt Nam. Thế nhưng, sau 3 năm khoác danh hiệu, Quan họ vẫn phát triển tự phát, chưa có sân khấu chuyên nghiệp. Các cuộc liên hoan ca trù được tổ chức hằng năm theo quy mô toàn quốc nhưng ngày càng mờ nhạt. Nếu như năm 2009, liên hoan ca trù có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân, nhiều CLB ca trù có tiếng thì đến liên hoan năm 2011, nghệ nhân vắng bóng, lớp trẻ không nhiều. May mắn hơn, mỗi năm hát Xoan có một dịp lễ hội đền Hùng để sống và thăng hoa, song Xoan cũng bị dư luận lên án vì sự phát triển đại trà, sân khấu hóa... Nghệ thuật hát Then sẽ được lập hồ sơ trong tương lai gần, nhưng tại "cái nôi" Tuyên Quang chỉ còn 2 người nắm giữ làn điệu Then cổ. Nghệ sĩ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: "Hầu như làng quê nào ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có hát ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi nhưng số người biết hát lời cổ không nhiều".
DS vật thể cũng khiến dư luận lo lắng. Xót lòng cho DS là bởi, ô nhiễm môi trường ở Vịnh Hạ Long ngày càng nghiêm trọng, một số hạng mục của quần thể Cố đô Huế bị xuống cấp hoặc không giữ được yếu tố gốc sau khi trùng tu, Đàn Nam Giao của Thành nhà Hồ được phục dựng thiếu căn cứ khoa học… Còn khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) đang ứng cử DS thế giới đang được một doanh nghiệp xây dựng phát triển du lịch theo phê duyệt của tỉnh từ năm 2008. Đến nay, tuy chưa biến dạng đến mức nghiêm trọng nhưng cứ đà khai thác này, không ai dám chắc rằng khu danh thắng Tràng An sẽ nguyên sơ như những gì vốn có.
Theo quy định, mỗi năm UNESCO chỉ xem xét công nhận một DS ở một quốc gia. Trong khi chờ xếp hàng đến lượt, việc quan trọng hơn là các địa phương nên quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của DS ngay trong cộng đồng. Đó mới là cách xây dựng thương hiệu cho DS một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.