Theo Guardian, ngày 26-7, một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Unesco) đã khuyến nghị nên cấm điện thoại thông minh trong trường học để giải quyết tình trạng gián đoạn trong lớp học, cải thiện việc học và giúp bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.
Theo Unesco, có bằng chứng cho thấy, việc sử dụng điện thoại di động quá mức có liên quan đến việc giảm hiệu suất học tập và mức độ thời gian sử dụng thiết bị điện tử cao có tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em. Tổ chức này nêu rõ, lời kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, toàn bộ công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, phải luôn phụ thuộc vào “tầm nhìn lấy con người làm trung tâm” của giáo dục và không bao giờ thay thế được sự tương tác trực tiếp với giáo viên.
Unesco cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách không nên áp dụng công nghệ kỹ thuật số một cách thiếu suy nghĩ, cho rằng tác động tích cực của nó đối với kết quả học tập và hiệu quả kinh tế có thể bị phóng đại và cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn. “Không phải mọi thay đổi đều tạo nên sự tiến bộ. Chỉ vì điều gì đó có thể được thực hiện không có nghĩa là nó nên được thực hiện”, Unesco kết luận. Khi việc học trực tuyến ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các trường đại học, Unesco thúc giục các nhà hoạch định chính sách không bỏ qua “khía cạnh xã hội” của giáo dục - nơi sinh viên cần được giảng dạy trực tiếp.
Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc của Unesco, cho biết: “Cuộc cách mạng kỹ thuật số nắm giữ tiềm năng to lớn, nhưng cũng giống như những lời cảnh báo đã được đưa ra về cách thức sử dụng trong xã hội, thì cũng cần phải chú ý đến cách nó được sử dụng trong giáo dục”.
Trong báo cáo, Unesco nhấn mạnh, các quốc gia cần đảm bảo rằng họ có các mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng để đảm bảo công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục có lợi và tránh gây hại đối với sức khỏe của từng học sinh, rộng hơn là đối với dân chủ và nhân quyền, chẳng hạn như xâm phạm về quyền riêng tư hay châm ngòi cho sự thù hận trực tuyến.
Việc học sinh sử dụng công nghệ quá mức hoặc không phù hợp trong lớp học và ở nhà, cho dù là điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính xách tay, có thể gây mất tập trung, gây rối và tác động bất lợi đến việc học tập. Tổ chức này trích dẫn dữ liệu đánh giá quốc tế quy mô lớn cho thấy “mối liên hệ tiêu cực” giữa việc sử dụng quá nhiều công nghệ kỹ thuật số và thành tích của học sinh.
Unesco cho biết, các quốc gia đã “nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu” khi nói đến công nghệ kỹ thuật số. Báo cáo đã dẫn chứng Trung Quốc - một quốc gia đã đặt ra ranh giới cho việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy, giới hạn chúng ở mức 30% tổng thời gian giảng dạy, trong khi học sinh phải thường xuyên nghỉ giải lao khi sử dụng máy tính.
Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục trên khắp thế giới, Unesco ước tính, cứ 6 quốc gia thì có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học, thông qua luật hoặc hướng dẫn. Pháp, quốc gia đã đưa ra chính sách vào năm 2018 và Hà Lan, quốc gia sẽ đưa ra các hạn chế từ năm 2024.
Thông báo về lệnh cấm trong tháng này, Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf nêu rõ, mặc dù điện thoại di động gắn liền với cuộc sống của mỗi con người, nhưng thiết bị này không phù hợp với các lớp học. Học sinh cần có khả năng tập trung và cần được thiết lập môi trường tốt nhất để học tập, do đó, điện thoại di động sẽ làm phân tâm, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.