Reuters ngày 9-2 trích dẫn lời Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Oleksiy Sobolev cho biết, Chính phủ Ukraine đang nỗ lực cải tổ quy định kinh doanh để loại bỏ và cập nhật hàng trăm quy định mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.
Cuộc cải cách đã bắt đầu tiến hành vào năm ngoái nhằm xem xét khoảng 1.300 văn bản quy định và giấy phép hiện hành.
Khoảng 100 quy định đã bị hủy bỏ, ông Oleksiy Sobolev cho biết thêm, 400 thủ tục khác sẽ tiếp tục bị loại bỏ trong năm nay, trong khi 500 thủ tục mới sẽ được cập nhật và số hóa.
“Chúng ta cần tạo ra một môi trường doanh nghiệp có thể hoạt động trong những điều kiện thuận tiện nhất”, Thứ trưởng Oleksiy Sobolev nói.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này khi hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, các thành phố và cơ sở hạ tầng bị ném bom, đồng thời hoạt động hậu cần, chuỗi cung ứng và xuất khẩu bị gián đoạn. Nền kinh tế suy giảm khoảng 1/3 vào năm 2022, mức giảm hằng năm lớn nhất trong 30 năm độc lập của Ukraine.
Với việc các đồng minh phương Tây đổ hàng tỷ USD viện trợ tài chính, Chính phủ Ukraine đã duy trì được sự ổn định kinh tế và các doanh nghiệp được điều chỉnh theo thực tế thời chiến. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ukraine tỏ ra có khả năng thích ứng, giúp ích cho nền kinh tế ổn định hơn. Ông Oleksiy Sobolev ước tính, sau khi những thay đổi về quy định được thực hiện, các doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm từ 12-13 tỷ hryvnias (320-345 triệu USD) hằng năm.
Ông Oleksiy Sobolev cho biết, nông nghiệp, một lĩnh vực then chốt và mang lại nguồn thu ngoại tệ mạnh hàng đầu, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cải cách đang diễn ra.
Đầu tháng này, EU đã phê duyệt gói trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine và Kiev hy vọng sẽ nhận được 18 tỷ euro hỗ trợ ngân sách trong năm nay.
Tổng cộng 39 tỷ euro sẽ được phân bổ cho nhu cầu ngân sách của Ukraine cho đến năm 2027. Chính phủ Ukraine cũng muốn tăng cường khả năng tự chủ về kinh tế và gói hỗ trợ của EU, bao gồm 8 tỷ euro được dành riêng để giúp thu hút nhiều đầu tư hơn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin, vận tải... có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.