Điểm nóng

Ukraine: Kiev nhận thêm viện trợ từ Mỹ, EU thiệt hại khoảng 1.500 tỷ USD

Thương Nguyệt - TTXVN 04/11/2023 07:48

Chính quyền Tổng thống Joe Biden xác nhận cung cấp thêm vũ khí và thiết bị trị giá 425 triệu USD cho Ukraine trong xung đột với Nga.

Khoản viện trợ 425 triệu USD là ngân sách cuối cùng của Sáng kiến ​​Hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) với tổng trị giá hơn 18 tỷ USD, cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp trong nước, thay vì lấy từ kho vũ khí của Mỹ.

Theo Reuters, USAI được sử dụng để mua các loại vũ khí dẫn đường bằng laser trị giá 300 triệu USD, trong đó bao gồm hệ thống phóng tên lửa VAMPIRE do nhà thầu L3Harris sản xuất.

Ngoài khoản viện trợ kể trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng công bố cam kết mua vũ khí trị giá 125 triệu USD thông qua Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA).

myukraine.png
Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine trong xung đột với Nga. Ảnh: Reuters

PAD cho phép chuyển các mặt hàng từ kho dự trữ của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong những trường hợp khẩn cấp. PDA hiện vẫn còn khoảng 5 tỷ USD sau khi Lầu Năm Góc phát hiện một lỗi kế toán dẫn đến sai sót trong mức hỗ trợ cho Ukraine.

Lầu Năm Góc cho biết, các loại vũ khí sẽ được vận chuyển đến Ukraine bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS), Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), pháo 105 và 155 mm, vũ khí chống tăng TOW, mìn sát thương Claymore, vũ khí cỡ nhỏ…

Thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ, Mỹ vẫn cam kết hợp tác với đồng minh và đối tác để giúp Ukraine tăng cường năng lực tự vệ. Những hỗ trợ cho Kiev còn giúp ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực, đồng thời củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

* Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho biết chính sách trừng phạt nhằm vào nước này đã khiến các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại khoảng 1.500 tỷ USD.

“Toàn bộ tổn thất mà EU phải gánh chịu do việc áp dụng các lệnh trừng phạt và các quyết định cắt giảm hợp tác với Nga, theo ước tính, đã lên tới khoảng 1.500 tỷ USD”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko nói với các nhà báo bên lề Diễn đàn kinh tế Á - Âu Verona ở Samarkand, Uzbekistan ngày 3-11.

Quan chức ngoại giao cấp cao Nga nói thêm ông không thấy tín hiệu EU sẽ rút lại chính sách đối với Mátxcơva trong tương lai gần.

Ông lưu ý thương mại song phương giữa Nga và các nước thành viên EU đã lên tới 417 tỷ USD vào năm 2013 và khẳng định con số này có thể đạt tới 700 tỷ USD trong năm nay nếu không có các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Thứ trưởng Grushko nói rõ khối lượng giao dịch giữa EU và Nga đạt tổng cộng 200 tỷ USD vào năm 2022, nhưng dự kiến giảm xuống dưới 100 tỷ USD vào cuối năm 2023.

“Năm tới, con số sẽ tiếp tục giảm xuống còn 50 tỷ USD và sau đó sẽ về 0”, vị quan chức cảnh báo.

Theo ví dụ mà nhà ngoại giao đưa ra, ngành công nghiệp Đức hiện phải mua khí đốt tự nhiên với giá cao gấp 3 lần so với giá ở Mỹ. Ông nhấn mạnh các dây chuyền sản xuất đang dần chuyển sang Bắc Mỹ bất chấp các dấu hiệu đỏ đang được các doanh nghiệp Đức đưa ra.

Cho đến nay, EU đã đưa ra 11 gói trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine. Các quan chức EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga chưa đáng kể như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine: Kiev nhận thêm viện trợ từ Mỹ, EU thiệt hại khoảng 1.500 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.