(HNM) - Liên minh cầm quyền "ổn định và cải cách" trong Quốc hội Ucraina vừa chủ trương siết chặt quy chế trung lập của nước này. Dự kiến trong những ngày tới, các nghị sỹ sẽ thông qua đạo luật không cho phép Ucraina gia nhập các tổ chức quân sự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Động thái này dường như đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng của cựu Tổng thống Víchto Yusencô - nhân vật đã nỗ lực không ngừng để đưa Ucraina gia nhập NATO kể từ khi ông lên chiếc ghế quyền lực nhất tại Ucraina bằng cuộc cách mạng Cam năm 2004. Ngoài ra, đây cũng là nhân tố biến dự án "Đông tiến" của NATO thành một dự án "treo" ít nhất trong 4 năm tới.
Tổng thống Ucraina V.Yanucôvích gặp Tổng thống Nga Đ.Métvêđép tại Mátxcơva nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. |
Như vậy trong thời gian trước mắt, thay vì "ngoảnh mặt" với Nga như cách mà "người hùng" Yusencô từng làm, Ucraina sẽ tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tinh thần đối tác chiến lược, hữu nghị và láng giềng thân thiện, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Ucraina cũng tham gia các cơ cấu kinh tế trong không gian hậu Xôviết theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia của Ucraina; đồng thời, phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Có thể coi quy chế mới của liên minh cầm quyền Ucraina là một sự phủ nhận khá phũ phàng với đường lối mà các nhà cách mạng Cam từng cố công theo đuổi. Bước đi "hướng Tây" đầy mạo hiểm này không chỉ làm đóng băng quan hệ Nga - Ucraina mà còn khiến Kiép trở nên lạc lõng với các lân bang trong không gian hậu Xôviết - khu vực vốn có nhiều ràng buộc cả về lịch sử và lợi ích kinh tế. Tham vọng viển vông của những người hùng màu Cam đã đẩy đất nước Ucraina rơi vào tình trạng khốn cùng, bế tắc trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Chính vì vậy, thắng lợi của Chủ tịch đảng Các khu vực Víchto Yanucôvích với đường lối thân Nga trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua được xem như một cơ hội lớn đưa Ucraina về đúng quỹ đạo để từ đó tìm ra lối thoát cho đất nước đang bên bờ vực phá sản này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một thắng lợi mang tính chiến lược dành cho nước Nga.
Với Mỹ và nhiều thành viên NATO, Ucraina được kỳ vọng là một nước cờ nhằm thiết lập hành lang năng lượng vững chắc từ đông sang tây, phá vỡ thế độc quyền cung cấp khí đốt của Nga. Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh khi Liên bang Xôviết sụp đổ, NATO do Mỹ đứng đầu tranh thủ tìm cách khống chế Mátxcơva bằng việc mở rộng ảnh hưởng, siết gọng kìm ở cả Đông lẫn Nam châu Âu, thiết lập vành đai và những điểm trọng yếu nhất để can thiệp vào nước Nga. Liên tiếp trong vòng 5 năm (1999-2004), NATO đã nhanh chóng tiến hành 2 đợt mở rộng quy mô lớn, thu nạp phần lớn các nước Đông Âu vốn trước đây từng nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga và thu ngắn đáng kể khoảng cách địa lý giữa NATO và xứ sở bạch dương. Tuy nhiên, sau chiến sự tại Nam Ôxêta do Grudia phát động tháng 8-2008, NATO buộc phải làm quen để phù hợp với khái niệm một nước Nga đã vươn dậy với tiềm lực mạnh lên rất nhiều cả về quân sự và kinh tế, trong đó năng lượng là một lá bài quan trọng. Nói cách khác, nước Nga hiện nay không còn là một nước yếu thế thời kỳ những năm 1990 mà là một quốc gia hùng mạnh hơn, tự tin hơn và quyết đoán hơn trong quan hệ quốc tế. Do đó, việc mở rộng thành viên sang khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga không chỉ đơn giản gói gọn trong nội bộ của NATO mà còn bị chi phối bởi một yếu tố ngoài NATO. Đó là Mátxcơva. Điều này cũng có nghĩa các căn cứ mà NATO mong muốn thiết lập tại Ucraina và Grudia hầu như không có cơ hội trở thành hiện thực.
Thay đổi trong chính sách của các nhà lãnh đạo mới tại Ucraina đã buộc NATO phải chấp nhận một sự thật rằng, Nga đang ghi điểm trong quá trình củng cố vùng ảnh hưởng cùng những chính sách liên quan đến các khu vực tiếp giáp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.