(HNM) - UBND TP Hà Nội đã có bản góp ý cho đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó đề nghị không đưa trụ sở cơ quan hành chính lên Ba Vì và không nên làm trục giao thông Ba Vì - Hồ Tây.
Không thể tách rời trung tâm chính trị - hành chính quốc gia
Theo UBND TP Hà Nội, khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia hoặc hành chính qua các thời kỳ lịch sử. Và việc xây dựng nhà Quốc hội cũng như cơ quan làm việc của Quốc hội tại trung tâm Ba Đình là sự tiếp tục khẳng định trung tâm chính trị - hành chính quốc gia là Ba Đình. Trong khi, về không gian, Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, thể chế chính trị, khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông, khả năng kết nối các vùng xung quanh, khả năng gắn với một đô thị hành chính, chưa nói đến việc ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của quốc gia và Hà Nội. Hơn nữa, việc nghiên cứu xây dựng trụ sở của bộ, cơ quan ngang bộ và trực thuộc Chính phủ sẽ phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có thể bảo đảm sự liên hệ với trung tâm Ba Đình và các vùng trong cả nước, sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua. Ảnh: Bảo Kha |
Trong bản góp ý, TP Hà Nội đề nghị, cần khẳng định Ba Đình hiện tại cũng như lâu dài vẫn là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Cần tiếp tục quy hoạch và xây dựng để hoàn chỉnh khu vực Ba Đình và vùng phụ cận là nơi đặt các trụ sở trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm sự tập trung, xứng với tầm vóc Thủ đô của đất nước hơn 100 triệu dân giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự phù hợp và kế thừa các giá trị của khu vực Ba Đình. Quỹ đất đai tại khu vực Ba Vì cần quản lý chặt chẽ gắn với không gian, bảo vệ cảnh quan. Hà Nội cũng đề xuất 2 khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là Tây Hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mễ Trì - Mỹ Đình), với các tiêu chí có đủ quỹ đất xây dựng công trình hoặc tổ hợp công trình hiện đại; liên kết nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị tại Ba Đình; tiếp cận các loại hình giao thông giảm quy mô đầu tư hạ tầng đô thị; liên kết không gian kiến trúc (Trung tâm Hội nghị quốc gia, trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính Tây hồ Tây...), gắn kết không gian cảnh quan tự nhiên (sông Nhuệ, hồ Tây)...
Về các trụ sở cấp thành phố, cần khẳng định vị trí tại khu vực xung quanh hồ Gươm như hiện nay. Vị trí này vừa có yếu tố lịch sử, truyền thống, vừa có điều kiện liên kết với trung tâm đầu não chính trị tại Ba Đình và vùng phụ cận.
Không cần trục hồ Tây - Ba Vì
Về trục hồ Tây - Ba Vì, UBND TP cho rằng đây là hệ quả gắn liền với việc quyết định vị trí trung tâm hành chính quốc gia, ảnh hưởng lớn tới những lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững. Khi đã khẳng định không xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội. Về nhu cầu giao thông, với đề xuất định hướng phân bổ dân cư khu vực phía tây trên 1 triệu người, định hướng giao thông đã có trên 32 làn xe (đường Láng - Hòa Lạc 10 làn xe, đường 32 và tây Thăng Long có 12 làn xe, đường 6 và đường nam đường 6 có 10 làn xe) cùng các tuyến đường sắt đô thị, nhu cầu giao thông giữa trung tâm và đô thị vệ tinh đã được bảo đảm, vì thế chức năng giao thông kết nối Ba Đình - Ba Vì là không cần thiết. Mặt khác, nếu trục Ba Vì - Hồ Tây hình thành sẽ có nguy cơ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh. Việc xác định tuyến đi thẳng theo hướng đông - tây, dự kiến 6 làn xe, mặt cắt từ 100m đến 300m, trên quãng đường dài 30km, sẽ không bảo đảm an toàn giao thông xét theo yếu tố vật lý do ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt người điều khiển giao thông. Chưa kể, nguồn lực tài chính không khả thi, cần được cân nhắc thận trọng do di dời nhiều khu làng xóm có hiện trạng dày đặc các dự án đã và đang đầu tư xây dựng. Hơn nữa trong bối cảnh điều kiện kinh tế hiện nay cần huy động kinh phí để đầu tư phát triển đồng thời nhiều dự án, công trình trọng điểm thiết thực khác. Theo UBND TP chỉ cần tập trung tạo dựng hệ trục không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng với những công trình có ý nghĩa thời đại, những không gian quảng trường, giao lưu cộng đồng gắn với công viên vui chơi giải trí lớn của Thủ đô trong phạm vi từ đường Vành đai 3,5 đến Vành đai 4.
Hai vấn đề trên thu hút sự chú ý, tranh luận của giới chuyên môn, các nhà quản lý và từng người dân trong suốt thời gian qua. Thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đặt trung tâm hành chính ở Ba Vì là không phù hợp cả về yếu tố lịch sử, văn hóa, quốc phòng an ninh; đồng thời đề nghị, không nên tách trung tâm hành chính khỏi trung tâm chính trị. Về trục Thăng Long đa số ý kiến thảo luận cũng đề nghị làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục này, nhất là trong bối cảnh đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32 chỉ cách trục này 4km đang được đầu tư mở rộng. Thậm chí, có nhiều ý kiến "gay gắt" khi gọi đây là trục "đắt đỏ" bởi số vốn đầu tư xây dựng ước tính rất lớn, trong khi cơ sở luận cứ khoa học thiếu thuyết phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.