(HNMO) - 6-0 trước đối thủ U22 Brunei không thể coi là một chiến công rực rỡ. Bản thân ông Park Hang-seo cũng chẳng quá mừng vui. Mọi thứ đều dừng ở mức hài lòng, về điểm số và cả về cách sử dụng con người.
SEA Games 30 là cả một chặng đường dài. Để vào được bán kết, thầy trò ông Park phải vượt qua 5 trận đấu với độ khó tăng dần và mật độ cũng càng về sau càng dày đặc. Kể từ lúc lần lượt gặp U22 Lào, Indonesia, Singapore và đối thủ chính Thái Lan, chúng ta chỉ có vẻn vẹn một ngày nghỉ sau mỗi trận.
Tránh chấn thương nhưng vẫn giữ được trạng thái sung mãn vì thế còn quan trọng hơn là việc giấu bài. Suy cho cùng, với các đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á, ông Park cũng không cần phải “nguỵ trang” quá kỹ, bởi tất cả ít nhiều đều hiểu sức mạnh của nhau.
Bài toán khó cho ông Park nằm ở chỗ cất giữ các trụ cột thế nào, luân phiên sử dụng nhân sự ra sao để đến thời điểm quan trọng nhất, đội bóng không bị mất điểm, mất người vì chấn thương, vì thẻ phạt và cũng không có ai mất phong độ đáng tiếc do phải ngồi ngoài.
Với những tiêu chí đó, trận ra quân SEA Games 30 diễn ra đúng với những gì nhà cầm quân người Hàn Quốc toan tính. Ngoại trừ chấn thương không đáng có (và hy vọng cũng không nghiêm trọng) của Tấn Sinh, U22 Việt Nam đã trải qua một "buổi tập nhẹ" nhưng đủ chất.
Sáu bàn thắng đến không quá dễ dàng nhưng cũng không gây cho đội bóng cảm giác căng thẳng, đợi chờ. Đấy là thành công chung, cũng là điểm sáng riêng của Đức Chinh - đã lâu rồi mới lại sắm vai tiền đạo chính trong một trận đấu của ông Park Hang-seo.
Đức Chinh cả mùa V.League vừa qua sống trong cay nghiệt. Anh bị HLV Lê Huỳnh Đức chê trách thậm tệ, bị dư luận “ném đá” tơi bời, bản thân trải qua hàng loạt chấn thương mà không có thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng bước vào SEA Games, anh chỉ cần 9 phút để “thông nòng”, thứ mang lại sự tự tin lớn nhất cho các chân sút. Khi rời sân, Chinh “gỗ” có một cú hattrick, và nếu Ban tổ chức thống kê chính xác hơn, anh có thể là chủ nhân của 4 bàn.
Những gương mặt cần “ghi điểm” cũng phần nào giải tỏa được áp lực. Như Trọng Hùng, người đã có một trận đấu đầy nỗ lực và đã được đền đáp vào cuối trận, với một bàn thắng mang dấu ấn cá nhân đậm nét. Như Việt Hưng, anh hoàn toàn làm chủ khu trung tuyến và cũng có một lần lập công, đủ khẳng định vị trí của mình ngay cả khi các tuyển thủ quốc gia xuất hiện.
Các tuyển thủ quốc gia thì hầu hết được “miễn” trận này, sau khoảng thời gian vắt sức cho vòng loại World Cup. Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng hoàn toàn được nghỉ. Trọng Hoàng vào sân ở hiệp 2 để mang lại những đường nét mạch lạc hơn trong tấn công, khi anh sắm vai tiền vệ phải - vị trí anh thường chơi cho Sông Lam Nghệ An cũng như các đội tuyển trước đây. Tiến Linh thì được thay người trong vài phút cuối, giống như một sự bắt nhịp, và anh cũng kịp kiến tạo nên một bàn thắng muộn.
Trong số những nhân sự ở trên tuyển xuống, chỉ có Hoàng Đức và Trọng Hùng đá chính. Ai cũng hiểu, sức mạnh thực sự của U22 Việt Nam vẫn còn nằm trong sổ tay của ông Park chứ không bộc lộ trên sân.
Đó cũng là lý do khiến người hâm mộ nhìn toàn cảnh vẫn thấy lối chơi của U22 Việt Nam chưa mượt mà, nhuần nhuyễn. Các bàn thắng đến từ tạt bổng đánh đầu nhiều hơn là phối hợp sắc sảo, một số tình huống khống chế bóng hay chuyền lỗi - điều ít thấy ở đội tuyển Việt Nam.
Dĩ nhiên, mặt sân cỏ nhân tạo là một thách thức với các cầu thủ đa số chưa kịp làm quen. U22 Brunei tuy bị đánh giá thấp nhưng phòng ngự quyết liệt và đeo bám sát sao, điều đó hiển nhiên cũng gây ra những khó khăn.
Nhưng với ông Park, những vấn đề đó hoàn toàn không đáng phải bận tâm. Cái ông cần là 3 điểm và những bước chậm rãi nhưng chắc chắn.
Đã qua rồi cái thời cả nước sục sôi đòi hỏi các đội tuyển trận nào cũng phải thắng thật đậm, đá thật hay, để rồi khi gặp những chướng ngại đúng nghĩa thì lại kiệt sức, lúng túng hoặc gục ngã. Dưới tay ông Park, nhịp độ để đi đến thành công cũng là một nghệ thuật dụng binh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.