Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 10% ở các cặp vợ chồng

Gia Phong| 19/09/2015 17:00

(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản và hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc-đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn” do Bệnh viện (BV) chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức ngày 19-9.


Tham dự hội thảo, ngoài các chuyên gia đầu ngành về hiếm muộn trên cả nước còn có sự góp mặt của gần 200 cặp vợ chồng đã và đang điều trị hiếm muộn cũng như các cặp vợ chồng quan tâm đến việc điều trị hiếm muộn.

Gần 200 vợ chồng đã và đang điều trị hiếm muộn tham gia hội thảo


Thông tin tại hội thảo cho thấy, hiện nay, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 10% các cặp vợ chồng. ThS.BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, tại BV, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung…Với người chồng thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược… Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng khi điều trị hiếm muộn tại BV cũng khá cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp.

Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Hỗ trợ sinh sản của BV đã đón nhận gần 13 nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, trong đó có gần 2.400 cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lớn trong nước và quốc tế). Riêng trong năm 2014, BV cũng đạt được kết quả đáng khích lệ khi sử dụng các biện pháp can thiệp y khoa, cụ thể: tỷ lệ có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) 31%, tỷ lệ có thai trong chuyển phôi tươi 42 %, chuyển phôi đông lạnh 65 %. Ngoài ra, BV cũng đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Có 3 ca thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt tại BV đã đươc các chuyên gia trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ghi nhận thời gian qua.

Đơn cử như trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng người đã mất. Người vợ sinh năm 1981 (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã có 1 con gái. Sau khi chồng mất do tại nạn, thể theo nguyện vọng của người vợ, mô tinh hoàn của người chồng được lấy tại BV và sử dụng IVF cho người vợ sau 3 năm lưu trữ. Kết quả, hai bé trai sinh đôi chào đời ngày 9/12/2013 nặng 2,4 kg và 2,9 kg, các bé phát triển khỏe mạnh, bình thường. Trường hợp thứ 2 là thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân nam liệt nửa người. Người vợ sinh năm 1983, người chồng sinh năm 1982. Người chồng bị tai nạn liệt nửa người 10 năm không thể quan hệ tình dục nhưng gia đình rất mong mỏi có một đứa con bằng tinh trùng người chồng. Bệnh nhân đã được lấy tinh trùng ở túi tinh thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BV năm 2012 và đã thành công, sinh một bé trai nặng 3,2 kg. Trường hợp thứ 3 là thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân nữ có bất thường tử cung (tử cung đôi). Người vợ sinh năm 1988, người chồng sinh năm 1986. Đến khám tại BV phát hiện do chồng Azoo (Biopsy: âm tính). Bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung bằng tinh trùng ngân hàng tại 2 cơ sở y tế khác nhưng không thành công. Bệnh nhân đến BV thực hiện bơm tinh trùng, người vợ có thai nhưng sau 8 tuần đã sảy thai. Sau đó, thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BV, chuyển phôi tươi không thành công. Lần chuyển phôi trữ đầu tiên, bệnh nhân đã có thai. Hiện tại, thai được 36 tuần và khỏe mạnh.

Ngoài ra, hội thảo cũng thông tin về việc triển khai thành công các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho trường hợp bất thường tử cung (hai tử cung); vô sinh thứ phát; vô sinh do nam giới không có tinh trùng. Theo GS Nguyễn Đình Tảo, Phó Giám đốc Trung tâm mô phôi (Học viện Quân y), với các cặp vợ chồng trong một năm không thực hiện biện pháp tránh thai mà không có thai nên đi khám để phát hiện nguy cơ hiếm muộn. Việc này cũng nên thực hiện với các cặp vợ chồng đã sinh con lần đầu, phòng trường hợp vô sinh thứ phát. Nên điều trị hiếm muộn trước 35 tuổi để tăng tỷ lệ thành công. Sau lứa tuổi này, khả năng thụ thai giảm hơn, đặc biệt ở nữ giới do nội tiết tố suy giảm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 10% ở các cặp vợ chồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.