Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ giá sẽ giằng co theo xu hướng tăng

Thanh Hương| 27/07/2015 11:24

(HNMO) - Thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý 3, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. Tỷ giá nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo xu hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800 VND-21.890 VND.


Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ vào cuối tháng 5 khẳng định việc thực hiện cam kết điều chỉnh không quá 2% đối với tỷ giá cũng như sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định thị trường nhưng không thể phủ nhận các rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá là không hề nhỏ.

Diễn biến thị trường ngoại hối bên cạnh yếu tố về mặt cung-cầu truyền thống sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào thái độ và cách thức điều hành thị trường ngoại hối của NHNN.

BIDV dự báo, thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý 3, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. “Tỷ giá nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo xu hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800 VND-21.890 VND”, BIDV cho hay.

Theo ngân hàng này, hai yếu tố được xác định là quan trọng nhất sẽ hỗ trợ cho sự ổn định căn bản của thị trường là vai trò điều hành tích cực của NHNN và cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư.

Về vai trò điều hành của NHNN, NHNN đã liên tiếp phát đi thông điệp về chủ trương giữ ổn định thị trường ngoại hối trong 6 tháng cuối năm 2015 theo đúng biên độ đã cam kết. Mặc dù đây là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên, quyết tâm và sự nhất quán trong chính sách điều hành của NHNN sẽ là một điểm cộng lớn, giúp nâng cao niềm tin của thị trường. Đồng thời, dự trữ ngoại hối quốc gia đã được cải thiện khá mạnh mẽ trong những năm vừa qua là một bệ đỡ hỗ trợ NHNN trong nhiệm vụ khó khăn này.

Theo đánh giá của BIDV, NHNN hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu. Vì vậy, “nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn thì nhiều khả năng NHNN sẽ hoàn thành mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay”.

Về cán cân thanh toán tổng thể,  dự báo có thể tiếp tục thặng dư thêm khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2015. Với cán cân thương mại, tình trạng nhập siêu dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 6 tháng cuối năm nhưng mức thâm hụt sẽ chưa nới rộng thêm, xoay quanh khoảng 3-4 tỷ USD.

Ngoài ra, xem xét cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm có thể thấy kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và linh kiện hàng điện tử tăng mạnh, và tập trung chủ yếu ở khu vực FDI. Với lượng máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tăng nhanh trong nửa đầu năm, kỳ vọng xuất khẩu sẽ lạc quan hơn trong nửa cuối năm.

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Theo số liệu thống kê 4 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm so với đầu năm (bình quân 4 năm là 15,63%) thường cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (bình quân 4 năm là 11,66%). Yếu tố chu kỳ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.

Bên cạnh đó, các dòng vốn khác như FDI, FII, ODA, kiều hối…dự kiến vẫn khả quan với các yếu tố hỗ trợ.

Đó là:

Thứ nhất, Chính sách của Chính phủ đã và đang có nhiều thay đổi theo hướng hỗ trợ thu hút các dòng vốn ngoại tệ như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 sẽ tạo ra môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; Nghị định 60/NĐ-CP/2015 nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với sở hữu cổ phần các doanh nghiệp đại chúng; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, một số các hiệp định thương mại, hợp tác song phương, đa phương Việt Nam tham gia đã hoặc sẽ được ký kết trong năm 2015 sẽ là yếu tố tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của những hiệp định song/đa phương này.

Thứ ba, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang được bước tiến lịch sử và hứa hẹn có thể tạo ra một sự dịch chuyển đáng kể của dòng vốn đầu tư từ Mỹ sang Việt Nam.

Thứ tư, kinh tế Trung Quốc đang tạo ra lo ngại lớn đối với giới đầu tư và đây cũng được xem là một cơ hội cho kinh tế Việt Nam về thu hút dòng vốn đầu tư. Dự báo giải ngân FDI có thể đạt 6-7 tỷ USD, FII ròng vào khoảng 400 triệu USD, giải ngân ODA vào khoảng 3-4 tỷ USD.

Tuy nhiên, BIDV cũng cho rằng, với điều kiện của thị trường trong năm nay, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối là rất lớn.

Sở dĩ nói như vậy vì, cán cân thương mại vẫn có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu với 2 kịch bản: Đà phục hồi của kinh tế thế giới yếu đi do những biến động của khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…) cũng như khu vực châu Âu (vấn đề Hy Lạp) khiến cho xuất khẩu của Việt Nam không đạt được kỳ vọng và kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng đột biến. Theo đó, thâm hụt cán cân thương mại có thể nới rộng lên khoảng 1 tỷ USD/tháng.

Bên cạnh đó, khả năng NHNN không tiếp tục gia hạn thông tư 43 quy định về cho vay ngoại tệ trong năm 2016, sẽ tạo áp lực lên nhu cầu ngoại tệ để giảm dư nợ ngoại tệ trong những tháng cuối năm. “Điều này khá hợp lý khi lãi suất cho vay VND đã được kéo giảm mạnh và hiện ở mức chấp nhận được đối với các doanh nghiệp, đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN vẫn cho thấy sự kiên định đối với kế hoạch giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế”, BIDV nhận định.

Thêm một yếu tố đặc biệt cần quan tâm là thời điểm Ngân hàng Trung ương Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Với những tuyên bố gần đây, khả năng khá cao là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiến hành tăng lãi suất ngay trong năm 2015. Khi đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng lên và xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp diễn, qua đó tạo sức ép gián tiếp lên thị trường ngoại hối trong nước.

BIDV cũng cho rằng, tâm lý thị trường nhìn chung duy trì sự thận trọng khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ có thể tiếp tục diễn ra, đồng thời trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng có thể biến động mạnh, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá sẽ giằng co theo xu hướng tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.