(HNM) - Duy trì sự ổn định trong một thời gian dài, tỷ giá USD/VND tiếp tục được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm.
Chính sách lãi suất áp dụng cho USD hiện cần được điều chỉnh. Ảnh: Hải Anh |
Vẫn có "sóng" thất thường
Nếu như những năm trước, tỷ giá biến động không ngừng bởi những kỳ vọng về sự tăng giá của đồng USD, thì từ đầu năm đến nay khá ổn định. Song, là một ngoại tệ mạnh, "đồng bạc xanh" không tránh khỏi những "cơn sóng" thất thường trước những biến động của nền kinh tế thế giới.
Vốn được coi là kênh trú ẩn khá an toàn của giới đầu tư, "đồng bạc xanh" được nhiều người nhắm đến mỗi khi thị trường chứng khoán "đỏ sàn", hay giá vàng xuống thấp. Ngoài ra, giống như giới đầu tư nước ngoài, USD là một trong những lựa chọn của nhà đầu tư trong nước để bảo tồn tài sản. Bởi thế, nhiều thời kỳ, người dân "đổ xô" mua USD, tạo điều kiện cho giới đầu cơ đẩy giá lên cao, gây bất ổn thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất gửi tiết kiệm về 0%, cộng với việc giữ ổn định tỷ giá, những kỳ vọng đối với USD đã không còn lớn như trước. Nhưng, giống như những kênh đầu tư khác, giá USD cũng có những thời điểm tăng, giảm khó lường.
Cách đây chưa lâu, sau khi FED quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25%, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng giá mua vào USD. Theo chỉ số niêm yết tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, mức giá USD mua vào tăng từ 22.675 VND/USD lên 22.725 VND/USD. Trước đó, giá mua USD đã được điều chỉnh vào tháng 1 và tháng 4, với mức tăng 100 VND/USD. Sự thay đổi này từ phía cơ quan chức năng đã khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá, lên mức phổ biến 22.690 VND/USD (mua vào) và 22.750 VND/USD (bán ra), tăng khoảng 30-40 VND/USD so với trước. Đây không phải mức tăng lớn, bởi tỷ giá vẫn dưới ngưỡng 23.000 VND/USD, nên không gây tác động mạnh đến thị trường tiền tệ. Trong những ngày gần đây, tỷ giá vẫn ở ngưỡng này, có tăng, giảm cũng chỉ trong biên độ 5-10 VND/USD. Ngày 27-7, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá phổ biến là 22.695 VND/USD (mua vào) và 22.765 VND/USD (bán ra).
Dự báo diễn biến từ nay đến cuối năm, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá sẽ được duy trì ổn định trong vòng 6 tháng tới, hay sớm nhất cho đến khi FED tăng lãi suất. Kết quả này được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế Việt Nam đang được duy trì ổn định, trong đó có lạm phát, tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại và mậu dịch, tình hình thanh khoản USD ở các ngân hàng. Ngoài ra, dù có độ chênh lớn giữa lãi suất USD trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, nhưng hiện tượng chuyển dịch lượng lớn ngoại tệ ra khỏi thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên, sự ổn định sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi nửa còn lại của năm 2017, tỷ giá vẫn có thể biến động nếu FED tiếp tục nâng lãi suất và tình hình nhập siêu của Việt Nam tăng. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện trong tháng 5-2017 nhập siêu 528 triệu USD, tháng 6-2017 nhập siêu 200 triệu USD và 6 tháng đầu năm là khoảng 2,7 tỷ USD. Con số này có thể sẽ tạo áp lực lên nguồn cung ngoại tệ và tác động tới tỷ giá.
Nên áp dụng lãi suất khi gửi USD
Để giải tỏa những áp lực trên, theo các chuyên gia, cần có nguồn cung ngoại tệ dồi dào với việc đẩy mạnh huy động USD. Song, với việc áp dụng lãi suất huy động ở mức 0% như hiện nay, không ít người đã chọn cách tự giữ USD thay vì gửi ở ngân hàng. Bởi vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước tính đến bài toán áp dụng lãi suất gửi USD trở lại để có thể thu hút nguồn vốn lớn đang ở trong dân.
Trên thực tế, tỷ lệ đô la hóa của Việt Nam đã xuống rất thấp, dưới mức 10%, nên việc áp dụng lãi suất huy động USD là hợp lý. Ngoài ra, nếu muốn huy động mạnh nguồn ngoại tệ trong dân, điều quan trọng là phải có cơ chế lãi suất cho tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ một cách bình thường, tức là nên phục hồi lại cơ chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Mức lãi suất USD có thể được nâng lên ở mức 0,25-0,5%/năm, hoặc cao nhất là 1%/năm. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên chờ thời điểm từ nay đến cuối năm, nếu có diễn biến mới của FED về việc nâng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước mới nên thay đổi lãi suất tiền USD, mức tăng có thể khoảng 0,5%/năm.
Khi kéo lãi suất USD về 0%, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là chống “đô la hóa” nền kinh tế. Sau một thời gian dài áp dụng chính sách này, thị trường tiền tệ đã ổn định, thị trường ngoại tệ tự do cũng từng bước bị xóa bỏ, không còn cơ hội cho những kẻ đầu cơ cố tình đẩy giá USD lên cao, bởi không còn ranh giới về giá “chợ đen” và thị trường chính. Người dân cũng không tìm mọi cách để mua USD "găm" khi lãi suất USD chỉ dừng lại ở 0%, trong khi gửi VND lãi suất 6-7%/năm, thậm chí cao hơn nếu gửi kỳ hạn dài. Tỷ giá cũng nhờ đó mà ổn định và mang đến tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nếu áp dụng lãi suất cho USD và dừng lại mức dưới 1%/năm thì tình trạng “đô la hóa” cũng khó có thể quay trở lại, đồng thời tạm đủ để huy động được nguồn vốn lớn trong dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.