Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên truyền giáo dục kết hợp với xử phạt nghiêm minh

Thành Tâm| 26/11/2015 07:08

(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và cả nước liên tục xảy ra các vụ ô tô

Hiện trường vụ tai nạn trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa) chiều 20-11. Ảnh: Huy Tuấn


Chỉ từ đầu tháng 11 đến nay đã xảy ra 4-5 vụ tai nạn giao thông (TNGT) "khó hiểu" ở thành phố. Đầu tiên và có tính chất nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ việc xảy ra tối 8-11, khi lái xe Đặng Ngọc Cường (SN 1975, trú tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm) điều khiển xe taxi BKS 30A-646.73 gây tai nạn liên hoàn trên đoạn cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (quận Đống Đa) làm 1 người tử vong, 7 người bị thương. Dư luận chưa hết bàng hoàng thì 22h30 ngày 13-11, tại ngã tư đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, một "xe điên" khác cũng gây tai nạn khiến một phụ nữ tử vong. Ngày 20-11, khi CA khởi tố vụ án TNGT trên, thì chiều cùng ngày, trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa), một xe ô tô lại bất ngờ chồm qua dải phân cách, tông vào một xe taxi đi ngược chiều. Đến đêm cùng ngày, xe ô tô BKS 30A - 166.22 lại tiếp tục gây tai nạn, kéo lê theo xe máy gặp nạn, hất người ngăn chặn lên nắp ca pô, bỏ chạy qua nhiều phố trước khi bị chặn bắt…

Số vụ TNGT liên quan đến "xe điên" ngày càng xuất hiện nhiều, đe dọa TTATGT nói riêng và ANTT nói chung… Cục CSGT - Bộ CA cũng cho biết, TNGT ở khu vực nội thị chiếm tỷ lệ khá cao (31,7%), chỉ sau TNGT trên quốc lộ. Nguyên nhân là khu vực này gồm các loại phương tiện hỗn hợp, mật độ đông, đường giao cắt nhiều. Mặc dù cơ quan CA chưa có số liệu phân tích sâu hơn về TNGT có tính chất liên hoàn cũng như tác động của nó, song có thể nhận thấy TNGT dạng này chủ yếu là do chủ quan, liên quan đến chính người điều khiển phương tiện. Qua các vụ việc gần đây, bước đầu có thể đánh giá là nguyên nhân dẫn đến các vụ "xe điên" gây tai nạn là do: Lái xe cố tình vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật (xe lưu thông không bảo đảm an toàn), lái xe có sử dụng rượu bia, kỹ năng xử lý kém, khi xảy ra va chạm bỏ chạy do sợ bị tấn công…

Giải quyết những vấn đề trên không dễ. Về phía cơ quan CA, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cho biết, để ngăn chặn TNGT, năm 2015 đơn vị đã tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chuyên đề xử lý vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, "đánh mạnh" vào ý thức của người điều khiển phương tiện. Các hành vi vi phạm như đi sai đường, sai làn, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm an toàn kỹ thuật được xử lý khá triệt để. Trong đó, việc xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật là chuyên đề khá mới. Mỗi ngày, Phòng CSGT xử lý hàng chục trường hợp phương tiện không bảo đảm an toàn mà vẫn lưu thông.

Song, như thế mới là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là việc đào tạo, sát hạch lái xe cần phải được làm tốt hơn nữa, để người điều khiển ô tô khi ra đường có thể làm chủ tay lái ở điều kiện lưu thông rất khó khăn như nội thị. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải có chiều sâu hơn nữa để xây dựng ý thức cho người điều khiển phương tiện trong việc chấp hành các quy định về ATGT, hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, khi giải quyết va chạm… Giải quyết những phần việc này, ngoài cơ quan CA còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác và cả vai trò chủ quan của người điều khiển phương tiện. Việc thực hiện các giải pháp trên phải được tổ chức đồng bộ, kiên trì…

Mặc dù đã triển khai rất nhiều chuyên đề về bảo đảm TTATGT, phòng ngừa tai nạn, song không ai có thể khẳng định có thể sớm đẩy lùi TNGT liên hoàn và chỉ có thể hạn chế tai nạn bằng cách tác động đồng bộ đến chính người điều khiển phương tiện, dần hình thành nên ý thức lái xe có trách nhiệm, với xã hội và bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền giáo dục kết hợp với xử phạt nghiêm minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.