(HNNN) - Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong những năm qua thực sự là hồi chuông báo động, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố. Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã xây dựng thí điểm có hiệu quả và đang nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn.
Kết quả khả quan
Năm 2018, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại các quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố...
Từ thành công ấy, năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm ATTP có kiểm soát thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Sơn Tây. Mục đích của việc này là góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung tại các “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng. Nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như: 94,69% số cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp, giám sát; 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.
Đặc biệt, mô hình đã có chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng đã tăng; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP của chủ cơ sở được cải thiện, nhận thức về vai trò quản lý của các cấp chính quyền được nâng cao. Về cơ bản, mô hình này giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ để lựa chọn, thưởng thức ẩm thực ở những cửa hàng đáng tin cậy.
Phố ẩm thực tại tổ 27 phường Ngọc Lâm là một trong 3 tuyến phố đầu tiên được gắn biển “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” của quận Long Biên. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết: “Từ khi phố ẩm thực tổ 27 phường Ngọc Lâm được gắn biển “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đến nay, hằng tháng, hằng quý phường phối hợp với phòng Y tế, trung tâm Y tế quận tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở thực phẩm này phải bảo đảm các điều kiện ATTP theo quy định.
Hằng ngày, các cơ sở kinh doanh phải thực hiện ghi chép sổ giao, nhận thực phẩm, sổ kiểm thực 3 bước để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc, công khai đến khách hàng địa chỉ, nguồn gốc nguyên liệu; nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm và nhân viên phục vụ phải có sức khỏe và kiến thức về ATTP theo quy định... Chúng tôi cũng nêu rõ quy định, nếu cơ sở nào vi phạm thì bên cạnh việc nhắc nhở, phường sẽ tiến hành xử phạt, gỡ bỏ biển “Cơ sở ATTP có kiểm soát” và công khai tên cơ sở vi phạm trên loa truyền thanh của phường. Rất mừng là tính đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào vi phạm đáng kể”.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, vì mới đưa vào triển khai được gần 2 năm nên công tác quản lý còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, do một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ nên mức độ đầu tư về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế, bàn ghế chưa đồng bộ, còn sử dụng bàn ghế nhựa chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên, việc ghi chép vào sổ nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm; một số cơ sở kinh doanh có sự thay đổi liên tục do đóng cửa hoặc khai trương mới, đổi chủ kinh doanh..., làm cho công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân cho biết, trong quá trình triển khai mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân đã phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền và nhận thấy, việc duy trì mô hình này đối với phường Thượng Đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Thứ nhất, hiện tại, trên tuyến phố vẫn chưa có chỗ gửi xe theo quy định bởi hè đường hẹp. Thứ hai, việc bán hàng ăn đêm trên tuyến phố gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về công tác vệ sinh môi trường. Thường thì 12h đêm mới kết thúc việc bán hàng, nghĩa là rác thải phải chờ đến sáng hôm sau mới có thể thu gom, điều đó gây ra tình trạng mất vệ sinh môi trường trên địa bàn. Chính vì thế, nên chăng, cần xây dựng một tuyến phố ẩm thực có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn”, bà Trịnh Thị Hồng Thủy phân tích.
Cũng theo bà Trịnh Thị Hồng Thủy, để việc triển khai, duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” thu được hiệu quả cao nhất, cần phát huy vai trò tích cực của báo chí trong đưa tin về các cơ sở thực hiện tốt, nhận diện các cơ sở có vi phạm. Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm hơn tới việc tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác bảo đảm ATTP ở tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn... nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.