Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc

Hương Ly – Khánh Thu Ảnh: Bá Hoạt| 02/12/2017 10:34

(HNMO) - Sáng 2-12, tại huyện Ba Vì, UBND TP Hà Nội đã tổ chức tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội có thành tích xuất sắc năm 2017.

Văn nghệ chào mừng hội nghị. Ảnh. Bá Hoạt


Về phía TP Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, đại diện các sở, ngành và 299 đại biểu là người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc của thành phố.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố với trên 92.000 người thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 1,2% dân số toàn thành phố; trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao và một số dân tộc thiểu số khác.

Đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, xã tại 154 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, chiếm 57,4% người dân tộc thiểu số trong toàn thành phố, trong đó chủ yếu là người Mường và người Dao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nghuyễn Đức Chung tham dự hội nghị.


Vùng đồng bào dân tộc, miền núi của Thủ đô có diện tích 33.458 ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm; dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống đường giao thông và thuỷ lợi. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho trình độ phát triển của vùng dân tộc thiểu số còn khoảng cách khá xa so với vùng đồng bằng và đô thị.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của trung ương, thành phố còn ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.

Nhiều chính sách dân tộc của trung ương được thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả, nổi bật là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg ngày 7-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do tình hình giá cả ở Thủ đô cao hơn các tỉnh, thành phố khác nên UBND thành phố đã quy định nâng mức hỗ trực trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo cao hơn mức quy định của Chính phủ.

Trong 10 tháng năm 2017, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn 1,329 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện các chính sách trợ giá, trợ cước; vay vốn tín dụng, y tế, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông; chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức và người hưởng lương công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... theo quy định hiện hành.

Để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc của Chính phủ nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 31-10-2011 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015”. Căn cứ Nghị quyết 06-NQ/TU, UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội để cụ thể hóa, tập trung thực hiện.

Do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nên việc thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hằng năm đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, có xã đạt 35 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa.

Hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 50% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới Internet đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, hiện nay, TP Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn mà chỉ còn 4 xã thuộc khu vực II và 10 xã thuộc khu vực I, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Các lĩnh vực: Văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường đều đạt kết quả tích cực.

Để đạt được kết quả nêu trên, ngoài sự cố gắng của các cấp, các ngành thành phố, còn có phần đóng góp tích cực của người có uy tín, trưởng thôn và người dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc. Đây là những cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô.

Tại hội nghị, các đại biểu là người có uy tín, trưởng thôn là người dân tộc thiểu số đã tham luận về: Vai trò của người có uy tín thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và công tác hoà giải cơ sở; vai trò của trưởng thôn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc vận động nhân dân phát triển kinh tế ở gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số. 

Đây là những “cánh tay nối dài”, là cầu nối của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người thân và cộng đồng tích cực thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, công tác dân tộc luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài và đề nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân... Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế chính sách để TP Hà Nội chủ động triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã quan tâm, dành tặng 30 suất quà cho 30 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh khó khăn của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhằm hoàn thiện các thể chế chính sách sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô; bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với thực tiễn để không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, đóng góp của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các cá nhân tiêu biểu sẽ tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt trên các mặt của đời sống xã hội, tích cực vận động nhân dân, người dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không chỉ gương mẫu, đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước mà còn động viên người thân trong gia đình, dòng họ và mọi người trong thôn, bản phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là vận động tất cả mọi người đề cao, có trách nhiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI về các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân tộc, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của thành phố. Ban Dân tộc thành phố bên cạnh việc tham mưu để thực hiện tốt các nghị quyết, chính sách dân tộc của thành phố đã ban hành cần tiếp tục vận động các quận hỗ trợ nguồn lực cho các huyện vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. 

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu, Ban Dân tộc thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc, nhất là cán bộ ở cơ sở và đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn vùng dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ, bảo đảm kịp thời, toàn diện và hiệu quả.

Nhân dịp tổ chức hội nghị tuyên dương, UBND TP Hà Nội đã tặng quà cho 30 đại biểu đại diện hộ gia đình dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tặng 30 suất quà cho 30 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc đã tặng 329 xuất quà cho đại diện 14 xã của Hà Nội. 

UBND TP Hà Nội cũng quyết định tặng bằng khen cho 42 cá nhân. Trong đó có 14 người có uy tín; 14 trưởng thôn, 14 người dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho 14 xã vùng dân tộc. Ban Dân tộc của TP Hà Nội cũng trao Giấy khen cho 40 người có uy tín, có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.