Các đối tượng tham gia một nhóm kín có tên là “Hiến Pháp”, chuyên phổ biến những cách hiểu sai lệch về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội.
Ngày 31-7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án phá rối an ninh đối với 8 bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ngụ huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) 8 năm tù; Hoàng Thị Thu Vang (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú ở Khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) 7 năm tù, cùng về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật hình sự 2015.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Sáu bị cáo còn lại nhận mức án từ thấp nhất 2 năm 6 tháng tù đến cao nhất là 5 năm tù, cùng về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, là những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, lại thường xuyên tiếp xúc với các thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội, các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đỗ Thế Hóa, Hồ Đình Cương, Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Đoàn Thị Hồng và Lê Quý Lộc đã chia sẻ các video về Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình.
Các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đỗ Thế Hóa (sinh năm 1968, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12), Đoàn Thị Hồng (sinh năm 1983, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), Trần Thanh Phương (sinh năm 1975, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) tham gia một nhóm kín có tên là “Hiến Pháp," chuyên phổ biến những cách hiểu sai lệch về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội... được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhằm lôi kéo, kêu gọi người dân tham gia biểu tình.
Ngày 10-6-2018, Hạnh cùng các thành viên của nhóm “Hiến Pháp” tham gia biểu tình tại trung tâm quận 1.
Đầu tháng 8-2018, Hạnh nghe lời kêu gọi của một số đối tượng chống đối chính trị ở nước ngoài thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội.
Hạnh đã chia sẻ về trang Facebook cá nhân của mình 81 video có nội dung kêu gọi người dân xuống đường tham gia tổng biểu tình vào ngày 4-9-2018.
Được sự hứa hẹn tài trợ kinh phí cho cuộc biểu tình của các đối tượng ở nước ngoài, ngày 25-8-2018, Hạnh tổ chức cuộc họp với các thành viên để bàn bạc kế hoạch.
Hạnh còn nhận và phân phát hung khí là 66 cây roi điện tự chế cho các thành viên tham gia nhằm mục đích sử dụng để chống trả lực lượng chức năng khi bị trấn áp, gây ra cảnh bạo loạn như kế hoạch mà các đối tượng chống đối chính trị ở nước ngoài đề ra cho nhóm.
Tại cuộc họp này, Hồ Đình Cương đã làm ra 4 vòng xoắn có đầu nhọn và hướng dẫn các thành viên khi tham gia biểu tình thì đeo vào ngón tay, hướng đầu nhọn ra ngoài làm hung khí để chống trả lực lượng chức năng nếu bị trấn áp.
Là người nhận nhiệm vụ phụ trách hậu cần của nhóm, Hoàng Thị Thu Vang nhận từ một đối tượng ở Mỹ hai thùng hàng là thuốc tân dược và thực phẩm chức năng.
Ngày 31-8-2018, Hoàng Thị Thu Vang tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Hạnh, Hóa, Cương, Dũng và Lộc để thống nhất lại kế hoạch đã bàn bạc ở cuộc họp trước đó và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Ngoài ra, Vang còn chia sẻ về trang Facebook cá nhân 21 video có nội dung kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình.
Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận đã nhận tiền tài trợ của các đối tượng chống đối chính trị ở nước ngoài để làm kinh phí hoạt động, trong đó Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận tổng cộng 400 USD, Hồ Đình Cương nhận tổng cộng 800 USD, Trần Thanh Phương nhận tổng cộng 200 USD...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.