Sức khỏe

Hiểm họa khi tùy tiện làm “thầy thuốc”

Thu Trang 09/12/2023 - 06:49

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh là một trong những yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Điều đáng nói là khi xuất hiện các biểu hiện bất thường về sức khỏe như: Sốt, ho, sổ mũi…, người dân thường tự mua thuốc về nhà để điều trị hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác có triệu chứng tương tự.

Thực trạng tự ý kê đơn, tùy tiện làm “thầy thuốc” góp phần đẩy nhanh tốc độ gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc đáng báo động như hiện nay.

Dùng sai kháng sinh sẽ tạo vi khuẩn kháng thuốc

Với tâm lý chủ quan và ngại đến bệnh viện nên mỗi khi bản thân hay các thành viên trong gia đình bị ho, sốt, đau đầu… là bà Đặng Thị Thìn (67 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) lại tìm đến hiệu thuốc. Lần này, khi thấy con trai có biểu hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi…, bà đã đến hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt và kháng sinh.

Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, con trai bà vẫn sốt cao, thậm chí bệnh có phần nặng lên. Thấy vậy, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết mức độ nặng. May mắn, sau 7 ngày được điều trị tích cực, anh đã được xuất viện.

Việc tùy tiện sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh như gia đình bà Đặng Thị Thìn không phải hiếm gặp. Trong quá trình khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận thấy, có đến 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Các trường hợp này đều có “kịch bản” khá giống nhau, đó là khi thấy con sốt cao, bố mẹ nghĩ con bị viêm phế quản, tự ý mua kháng sinh về cho con uống.

Thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, đã kéo theo nhiều hệ lụy. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, nếu phụ huynh dùng kháng sinh sai khoảng 3 lần sẽ tạo ra vi khuẩn kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc là dạng vi khuẩn tồn tại trong cơ thể trẻ nhưng chưa phát thành bệnh.

Đáng lo ngại, khi trẻ uống chung cốc với bố mẹ khiến bố mẹ cũng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Thậm chí, nếu bố mẹ đến cơ quan chẳng may uống chung cốc với người khác thì tình trạng này lan truyền rộng hơn.

dieu-tri-cho-benh-nhan-tai-.jpg
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Theo một nghiên cứu do Bệnh viện Nhi trung ương công bố năm 2019, qua sàng lọc các bệnh nhi nhập viện có cấy phân (làm xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân trong môi trường thạch dinh dưỡng nhằm phát hiện vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh), có 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác, nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.

Nên sử dụng theo đơn của bác sĩ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố, kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm.

WHO cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều nước vẫn dùng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Đề cập đến những nhóm bệnh đang trở nên khó điều trị hơn do tình trạng kháng kháng sinh, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, với bệnh viêm phổi thông thường do vi khuẩn mà nhạy cảm với kháng sinh thì chỉ cần dùng kháng sinh đúng chỉ định từ 5 đến 7 ngày là giải quyết được. Thế nhưng, nếu không may bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc thì sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là suy đa phủ tạng, trong tình trạng rất nặng. Khi đó, bệnh nhân phải điều trị ở những khu vực điều trị ICU (hồi sức tích cực) và đối mặt với nguy cơ tử vong.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực ngoại (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng cho rằng, khi nhiễm phải vi khuẩn kháng thuốc, việc dùng thuốc sẽ không hiệu quả. Kháng thuốc kháng sinh được chia làm 3 mức độ chính, gồm đa kháng (vi khuẩn kháng ít nhất 1 kháng sinh trong 3 nhóm kháng sinh được kiểm tra); kháng mở rộng (vi khuẩn kháng ít nhất 1 kháng sinh trong hầu như tất cả các nhóm kháng sinh); toàn kháng (vi khuẩn kháng tất cả các thuốc, các nhóm kháng sinh). Tuy nhiên, việc xác định vi khuẩn toàn kháng có thể khó khăn do khả năng xét nghiệm, nên việc xác định chỉ ở mức tương đối.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách đừng tự ý cứ thấy đau, thấy bệnh là ra hiệu thuốc mua thuốc. Người dân chỉ nên sử dụng thuốc khi có đơn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, để tăng sức đề kháng, trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi cần quan tâm hơn đến việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; đồng thời chú trọng bổ sung dinh dưỡng hợp lý, giữ ấm cơ thể, tăng cường vận động và tuân thủ vệ sinh phòng bệnh.

Với thời tiết như hiện nay cần đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị đúng bệnh, đúng thuốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa khi tùy tiện làm “thầy thuốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.