Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương lai bóng đá Việt Nam: Sự trở về của giá trị thật

Theo TT&VH| 12/02/2013 10:21

Đã qua rồi thời kỳ cầu thủ rủng rỉnh với những bản hợp đồng bạc tỷ mỗi phi vụ chuyển nhượng, giờ là thời điểm kinh tế khó khăn và đội bóng nào cũng phải thắt chặt chi tiêu.

1. Một năm trước, bầu Kiên vụt biến thành “thần tượng” của không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam bằng hàng loạt phát biểu và hành động nổi đình nổi đám, khiến nhiều người bắt đầu mơ tưởng về một tương lai tươi sáng và hứa hẹn cho bóng đá Việt Nam. Thế rồi cũng đột ngột như lúc trở thành “thần tượng”, bầu Kiên phải vào nhà giam vì những vi phạm ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, còn bóng đá Việt Nam thì đang rơi vào cuộc khủng hoảng bị xem là nghiêm trọng nhất kể từ ngày khai sinh V-League.

Sự khó khăn mà nền bóng đá đang trải qua lại vô tình là dịp để tôn vinh những đội bóng có bản sắc, có truyền thống và quan trọng hơn là có khả năng tự đứng vững trên đôi chân của chính mình như SLNA.


Việc bầu Kiên bị bắt giam đã khiến gần trăm con người ở 2 đội bóng thuộc quyền sở hữu của ông bầu này là CLB BĐ Hà Nội và CLB Trẻ Hà Nội lập tức rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, bởi dù không đăng ký tham dự mùa giải 2013, nhưng cả hai lại không chính thức giải thể để giải phóng cho các cầu thủ, khiến họ rơi vào tìn trạng tiến thoái lưỡng nan.

Bi kịch này xảy ra không chỉ với những cầu thủ thuộc diện vô danh, mà ngay cả hàng “sao số” như Công Vinh hay Thành Lương cũng không ngoại lệ. Trên danh nghĩa, lãnh đạo CLB BĐ Hà Nội tuyên bố sẵn sàng để cầu thủ của mình ra đi, miễn là 2 bên thỏa thuận được chi phí thanh lý hợp đồng một cách thỏa đáng, nhưng những con số mà CLB BĐ Hà Nội đưa ra lại khiến cả cầu thủ cũng như đội bóng đang muốn có cầu thủ này phát hoảng.

Đi không được, ở lại không xong, tình cảnh thê thảm và không có lối thoát hiện tại đã khiến không ít cầu thủ của 2 đội bóng bầu Kiên phải tính tới giải pháp cuối cùng là giải nghệ để đi kiếm công việc khác, còn nếu muốn tiếp tục theo nghề cầu thủ thì họ không thể thoát khỏi chiếc “vòng kim cô” của CLB, cho dù trên thực tế 2 đội bóng của bầu Kiên chỉ tồn tại theo kiểu “sống thực vật” (không đăng ký thi đấu ở mùa giải 2013). Nói tới đây chúng tôi lại chợt nhớ đến phát biểu rất đặc trưng của bầu Kiên ở Hội nghị Chủ tịch các CLB cuối năm ngoái, khi ông bầu này tuyên bố: “Cầu thủ nào không được phép của tôi thì đừng hòng đi khỏi CLB”.

2. Không chỉ có những cầu thủ từng ăn lương của bầu Kiên mới phải nếm trải cảm giác “Nếu còn có ngày mai”, mà rất nhiều cầu thủ ở các đội bóng V-League và hạng Nhất khác cũng đang ở tình cảnh bi đát chẳng kém. Từng được biết đến như là “thiếu gia” của bóng đá Việt Nam, nhưng đùng cái N.SG bị sang tên đổi chủ rồi cuối cùng là giải thể, khiến hàng chục cầu thủ của CLB này bị đẩy ra đường, trong đó có người đang là tuyển thủ QG và từng có giá chuyển nhượng tới 10 tỷ đồng cách đây 2 năm.

Tương tự như thế là các cầu thủ XSKT.Lâm Đồng, những người bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp chỉ sau một đêm, và không biết làm sao để tìm được bến đỗ mới khi hầu hết các CLB đều đã chốt xong danh sách chuẩn bị cho mùa bóng 2013. Không đến nỗi thất nghiệp như đồng nghiệp ở N.SG, XSKT.LĐ, CLB BĐ Hà Nội hay nhiều CLB khác, nhưng hoàn cảnh của các cầu thủ K.KH cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu, khi họ đột nhiên phải khăn gói bỏ Nha Trang để ra tận Hải Phòng chơi bóng vì K.KH bị chuyển giao cho Hải Phòng.

Mới thấy hóa ra số phận cầu thủ trong đời sống bóng đá nước nhà thật mong manh và dễ bị tổn thương. Có thể chỉ mới một vài năm trước họ còn là tỷ phú, còn được hưởng mức thu nhập vượt trội hơn hẳn so với mặt bằng xã hội. Nhưng chỉ một cơn bão quét qua, cuộc sống của họ lập tức thay đổi, và bây giờ chỉ cần có một việc làm, một chỗ dung thân thích hợp với khả năng của mình với họ đã là một nhiệm vụ cực khó.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi các cầu thủ, những nhân tố chủ chốt cấu thành nên nền bóng đá, rơi vào bi kịch như hiện tại thì tương lai của cả nền bóng đá sẽ đi đâu về đâu? Thực ra thì câu trả lời đã có rất nhanh, ngay ở AFF Cup 2012 vừa qua, khi nỗi lo lắng về tương lai bất định ở cấp độ CLB của đại đa số tuyển thủ bị xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại nặng nề của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012.

Còn mùa bóng 2013 sắp tới cũng không có nhiều hứa hẹn, khi từ 28 CLB V-League và hạng Nhất ở mùa giải 2012 đã rút xuống còn 20 CLB ở V-League (12) và giải hạng Nhất (8), nhưng con số 20 này cũng chưa có gì chắc chắn, bởi không thể loại trừ khả năng từ nay đến ngày khai mạc giải (tháng 3 năm 2013) sẽ còn có thêm vài CLB nữa nói lời chia tay, kiểu như trường hợp của N.SG hay XSKT.Lâm Đồng.

3. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tương lai của bóng đá Việt Nam sẽ toàn màu xám, bởi như người ta vẫn nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuộc khủng hoảng hiện tại của nền bóng đá cũng được xem là cơ hội để sàng lọc, để cắt bỏ những yếu tố phát triển không lành mạnh để bóng đá Việt Nam sẽ có một cơ thể khoẻ khoắn hơn trong những năm sắp tới.

Sự biến mất của những CLB như N.SG hay thậm chí là CLB BĐ Hà Nội xét ở một khía cạnh nào đó thậm chí còn xứng đáng được hoan nghênh, bởi lúc còn tồn tại họ chẳng mang lại một giá trị mang tính lâu dài nào cho nền bóng đá, khi bản thân đội bóng được hình thành bằng cách mua bán chuyển giao phiên hiệu, cầu thủ được mua từ tứ xứ, và dĩ nhiên chẳng có khái niệm về hệ thống đào tạo trẻ hay lực lượng kế thừa, tất cả chỉ để phục vụ những mục tiêu ngắn hạn và trước mắt, những toan tính riêng của ông chủ đã bỏ tiền ra mua và nuôi đội bóng.

Trong khi đó, sự khó khăn mà nền bóng đá đang trải qua lại vô tình là dịp để tôn vinh những đội bóng có bản sắc, có truyền thống và quan trọng hơn là có khả năng tự đứng vững trên đôi chân của chính mình như SLNA hay TĐCS.ĐT. Truyền thống “nhà nghèo vượt khó” của những đội bóng như SLNA hay TĐCS.ĐT sẽ là tấm gương để các CLB khác nhìn vào, và điều đó cũng chứng minh một sự thực rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì những giá trị truyền thống vẫn có giá trị riêng của nó.

Không phải đội bóng nào cũng có khả năng hợp tác với một CLB nổi tiếng thế giới để mở Học viện đào tạo trẻ như HA.GL với Học viện HA.GL JMG, nhưng cách làm của những SLNA (V-League), TĐCS.ĐT (hạng Nhất) hay Nam Định (hạng Nhì) cũng rất đáng để học hỏi, khi dù năm nào cũng đối mặt với nạn chảy máu cầu thủ, nhưng cuối cùng họ vẫn tồn tại được trong gian khó nhờ lực lượng cầu thủ được đào tạo từ hệ thống của chính mình.

Và chỉ cần V-League và giải hạng Nhất có thêm 4, 5 CLB nữa chấp nhận làm bóng đá một cách tử tế từ gốc thì lo gì không tìm được tài năng cho ĐTQG? Bài học từ sự ra đi nhanh chóng của hàng loạt cái tên như N.SG hay CLB BĐ Hà Nội hẳn là kinh nghiệm thấm thía để người ta từ bỏ một cách triệt để thứ tư duy làm bóng đá theo kiểu ngắn ngày vì lợi ích trước mắt từng xuất hiện nhan nhản ở V-League và giải hạng Nhất suốt bao năm qua.

Bây giờ là thời của những giá trị thật, những giá trị mang tính vững bền!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tương lai bóng đá Việt Nam: Sự trở về của giá trị thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.