Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tượng đài ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 30/12/2011 07:25

(HNM) - Ngày 15-3-1887, tại Trường Thi (nơi tổ chức kỳ thi Hương ở Bắc kỳ, nay là Thư viện quốc gia, phố Tràng Thi) lần đầu tiên diễn ra Triển lãm Kỹ nghệ Hà Nội do Thống sứ Bắc kỳ bảo trợ...

(HNM) - Tượng đài mang tính thực dân

Ngày 15-3-1887, tại Trường Thi (nơi tổ chức kỳ thi Hương ở Bắc kỳ, nay là Thư viện quốc gia, phố Tràng Thi) lần đầu tiên diễn ra Triển lãm Kỹ nghệ Hà Nội do Thống sứ Bắc kỳ bảo trợ, nhân sự kiện này, nhà điêu khắc người Pháp là Frédéric Augustin Bartholdi, tác giả của tượng Nữ thần tự do đã gửi phiên bản bằng 1/16 tượng đặt ở New York (Mỹ), cao 2,85m đến trưng bày.

Kết thúc triển lãm, tượng được tặng cho Hà Nội và nhân khánh thành Nhà Bắc kỳ tương tế (Fratermite Tonkinoise) ở phố Mã Mây, người ta đặt tượng ở đây một thời gian, sau đó được đặt chính thức ở khu vực quảng trường Bốn tòa (nằm giữa Tòa Đốc lý, Bưu điện, Phủ Khâm sai và trụ sở Ngân hàng Đông Dương, nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Nữ thần tự do là tượng đầu tiên đặt ở nơi công cộng tại Hà Nội và người Hà Nội đã không gọi bằng tiếng Pháp mà gọi là tượng "bà đầm xòe" với hàm ý chế giễu. Dù mang tên Nữ thần tự do biểu trưng cho quyền tự do của con người nhưng trớ trêu thay, ngay dưới chân tượng đài, thực dân Pháp đã chém đầu Đội Văn, một người Việt Nam yêu nước tham gia phong trào Cần Vương?

Tượng đài Quang Trung. Ảnh: Nguyệt Ánh


Tháng 11-1886, Tổng trú sứ Paul Bert chết vì bệnh kiết lỵ, Toàn quyền Pháp quyết định cho đúc tượng viên Tổng trú sứ này để ghi công ông ta với dân bản xứ. Hình ảnh Paul Bert to lớn xòe tay che chở cho đứa bé An Nam với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp. Tiền đúc tượng lấy một phần từ công quỹ, vua Đồng Khánh góp 1.000 đồng và ông vua này còn lệnh cho Nha Kinh lược Bắc kỳ thông tin đến các quan lại hàng tỉnh, hàng phủ đến hàng huyện bắt dân chúng phải đóng góp. Tượng đúc bằng đồng ở bên Pháp và khi được chuyển từ vùng Jura, quê hương của Paul Bert đến Việt Nam thì họ hạ tượng Nữ thần tự do và đặt cạnh tượng viên Trú sứ. Dân Hà Nội đã làm thơ chế nhạo:

Ông Bôn Be (Paul Bert) lấy "bà đầm xòe"
Đầm xòe ngoại tình khi Bôn Be vắng nhà
Tên bồi mách với Bôn Be
Bôn Be sẵn gốc tre
Đánh đầm xòe ra Neyret 
 (Vườn hoa Cửa Nam)

Ngày 11-7-1890, Hội đồng thành phố làm lễ khánh thành tượng và đặt tên Vườn hoa Bốn tòa là Paul Bert. Trong lúc chính quyền loay hoay tìm một địa điểm mới đặt tượng "bà đầm xòe" thì có người gợi ý là dựng ở bãi Dừa (nay là đài phun nước ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), người khác bàn đặt lên nóc Tháp Rùa mới đẹp. Báo "Tương lai Bắc kỳ" (Avenir du Tonkin) đã nhạo báng ý tưởng đặt tượng đầm xòe trên nóc Tháp Rùa: "Tượng Nữ thần tự do ở trên nóc ngôi chùa, đó là sự thắng lợi lớn của ánh sáng đối với chính sách ngu dân. Nhưng tại sao người ta không đặt tượng lên chùa Trấn Vũ hay gác chuông nhà thờ". Song, bất chấp những ý kiến can ngăn về sự bất hợp lý cũng như đặt "bà đầm xòe" lên đỉnh Tháp Rùa là phỉ báng tâm linh của người bản xứ, năm 1891, chính quyền vẫn cho đặt "bà đầm xòe" ở vị trí này, mặt tượng hướng về Vườn hoa Paul Bert. Sự ngang ngược này bị các nhà nghiên cứu ở Viện Bác cổ Viễn Đông phản đối, nên năm 1896, chính quyền thành phố chuyển "bà đầm xòe" ra Vườn hoa Neyret (nay là Vườn hoa Cửa Nam). Tượng tồn tại ở vị trí này đến năm 1945 thì bị ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim, ký lệnh giật đổ các tượng đài, trong đó có tượng "bà đầm xòe", vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ thực dân. Ngày 1-8-1945, chung số phận với nhiều tượng đài khác ở Hà Nội, tượng "bà đầm xòe" bị quần chúng kéo đổ. Khi làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã có ý định đúc một pho tượng Phật Adiđà lớn nhất Việt Nam đã tiến hành quyên góp đồng ở khắp nơi, cuối cùng làng cũng xin được một khối đồng khá lớn, trong đó có tượng "bà đầm xòe". Thế là tượng Nữ thần tự do đã góp phần làm nên pho tượng Phật nặng tới 16 tấn, ngự trên tòa sen ở chùa Ngũ Xã ngày nay.

Để chuẩn bị cho Triển lãm Thương mại Đông Dương vào năm 1902 với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới, các công trình cho triển lãm này được xây dựng. Cả khu đất rộng 12ha từ phố Trần Hưng Đạo đến phố Quang Trung cắt Nguyễn Du và kéo ra đường Lê Duẩn hiện nay là của triển lãm. Phía trước quảng trường (ngã ba Trần Hưng Đạo - Quán Sứ hiện nay) là cụm điêu khắc với tượng chính là một phụ nữ tay cầm lá cờ Pháp, xung quanh phía dưới là 4 bức tượng nhỏ, tác giả là nhà điêu khắc Theodora Riviere. Cụm tượng này bị phá tan tành trong trận bom của quân Đồng minh, đứng đầu là Mỹ ném vào quân Nhật đóng ở Hà Nội tháng 12-1944. Năm 1927, Hội đồng thành phố ra quyết định lấp hồ để xây dựng Vườn hoa Robin (nay là Vườn hoa    Lê nin) trước Cột cờ và cho dựng tượng đài, phương đình có bia để kỷ niệm binh lính thuộc địa đã tử trận vì nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ I. Tượng đài là hai người lính Pháp cầm súng chĩa về hướng Cột cờ, còn người kia tay cầm quả lựu đạn. Xung quanh hai lính Pháp là dân bản xứ tượng trưng cho các giới, trong đó có tượng nông dân vác cày, dắt trâu. Anh nông dân người nhỏ thó, còn con trâu thì to lớn với đôi sừng cồng kềnh nên người dân gọi là Vườn hoa Canh Nông. Chi phí cho việc dựng tượng này rất lớn, theo báo L'Eveil e'conomicque de Indochine, chính quyền đã chi tới 900.000 đồng. Tượng mang tính hiếu chiến và bị người dân Hà Nội phá bỏ vào năm 1945.

Ở Hà Nội còn có tượng đài "Nước Pháp (La France) bằng bê tông với hình tượng một người đàn bà Pháp tiêu biểu cho nền cộng hòa. Tượng này nằm ở vị trí Bộ Kế hoạch - Đầu tư hiện nay nhưng đã bị chính người Pháp phá bỏ do không có giá trị mỹ thuật. Năm 1930, bức tượng bán thân bác sỹ Yesin do Báo "Tương lai Bắc kỳ "tặng Hội đồng thành phố được đặt ở Bờ Hồ, góc Hàng Khay - Lê Thái Tổ nhưng sau đó tượng chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ. Năm 1931, trước đề xuất của Hội Tam điểm, một tượng bán thân nhà văn, nhà tư tưởng người Pháp là Renan (1823-1892) đã được dựng ở Vườn hoa Paul Bert, mặt tượng quay về phía ngân hàng. Renan là người tích cực chống mê tín, ngu dốt, độc đoán, đề cao khoa học tư duy duy lý.

Bên Hồ Gươm có tượng Vua Lê

Phía sau đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống hay ngay sát Nhà hát Ca nhạc nhẹ trung ương - 16 Lê Thái Tổ) là tượng Vua Lê được đúc bằng đồng, trong tư thế đứng, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông, đầu đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mặc áo long bào, đeo đai lưng. Tượng cao khoảng 1,20m, đặt trên trụ đá tròn, có 3 cấp bệ xếp bằng đá; phía dưới cũng được lượn tròn theo thân trụ với đường kính to nhỏ khác nhau. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, Vua Lê được biết đến là người cùng với các hào kiệt: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Văn An... đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược trong 10 năm (1418-1427) và đã giành được thắng lợi. Đầu năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua ở Thăng Long. Vua Lê còn gắn với truyền thuyết trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Lục Thủy, vì thế Lục Thủy được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hoặc Hồ Gươm. Tượng Vua Lê do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải hưng công dựng năm 1894. Là quan của triều Nguyễn và theo Pháp, song không hiểu vì lý do gì mà Hoàng Cao Khải cho dựng tượng Vua Lê. Có người cho rằng, Hoàng Cao Khải dựng tượng Vua Lê bên này hồ để đối trọng với tượng Paul Bert bên kia hồ.

Hà Nội còn có tượng Vua Quang Trung, tuy nhiên tượng Quang Trung không đặt ở nơi công cộng mà đặt ở chùa Bộc. Tượng được tác vào năm 1846 và có thể do Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh của đạo quân Tây Sơn tạc khi ông là sư ở ngôi chùa này.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tượng đài ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.