(HNM) - Hai năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của tổ chức Đoàn và thế hệ trẻ hôm nay. Trong đó có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, nhất là vùng biên giới, hải đảo.
Tuổi trẻ Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) hướng về biển đảo quê hương. |
Hai năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tập trung thực hiện Chương trình số 10 -CTr/TƯĐTN, ngày 11-10-2013, về triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tiếp tục ký kết Nghị quyết liên tịch với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhằm "Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2014-2018". Đồng thời, Đoàn thanh niên phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân về "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên bảo vệ chủ quyền biển, đảo giai đoạn 2014-2018"; phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về "Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia"; ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế xây dựng nội dung, cơ chế, chính sách, biện pháp thực hiện mang tính chiến lược nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi biên giới, hải đảo. Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích đoàn viên, thanh niên, tri thức trẻ tham gia các dự án xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tình nguyện đến lập thân, lập nghiệp, lao động và công tác tại khu vực biên giới, định cư lâu dài tại các đảo và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Các cấp bộ Đoàn trong cả nước tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa gắn với cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo cho thanh thiếu nhi như mô hình cột mốc Trường Sa, chương trình tự hào biển đảo Việt Nam, ngày hội triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương, sinh viên với biển đảo Tổ quốc… Nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi viết thư thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đoàn xây dựng nhiều chương trình, đề án nâng cao chất lượng đời sống đồng bào vùng biên giới, chiến sĩ nơi hải đảo. Tiêu biểu là các đề án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp ở vùng miền núi Sống Chàng (Thanh Hóa), Sông Rô (Nghệ An), An Ma (Quảng Bình), A Sờ (Quảng Nam), Ninh Điền (Tây Ninh); huy động gần chục tỷ đồng tặng học bổng và quà, tủ sách cho các em học sinh khó khăn. Đặc biệt, để nâng cao đời sống tinh thần đồng bào, chiến sĩ, các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đều có hoạt động giao lưu, hỗ trợ, hướng về biên giới, biển đảo, ký kết nghĩa với các địa phương, đơn vị, trường học nơi biên giới, hải đảo.
Những hoạt động hướng về biên giới, biển đảo cũng được tuổi trẻ Thủ đô tích cực hưởng ứng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết, Tuổi trẻ Thủ đô tham gia quyên góp ủng hộ gần 500.000 đầu sách, trên 100.000 đĩa nhạc ca khúc cách mạng, 500 tủ sách inox, gần 6.520 cây đàn ghita... tổng trị giá trên 20 tỷ đồng dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ Thủ đô có nhiều công trình phần việc thanh niên cụ thể, thiết thực góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi biên cương, hải đảo.
Tuy bước đầu thu được nhiều kết quả, nhưng tổ chức Đoàn thừa nhận công tác này còn mặt tồn tại như: Tại một số địa phương, đơn vị không thuộc khu vực biên giới, hải đảo, việc tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về tầm quan trọng biên giới, hải đảo trong phát triển kinh tế - xã hội và vai trò của Đoàn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh biên giới quốc gia còn mờ nhạt. Hiện nay vẫn còn 17 tỉnh đoàn, đơn vị chưa ký kết chương trình phối hợp, kết nghĩa nhằm hỗ trợ, chi viện cho các đơn vị, địa phương biên giới, hải đảo. Đa số hoạt động mới dừng ở thăm hỏi, tặng quà, tình nguyện ngắn ngày, giao lưu văn hóa, văn nghệ, chưa có nhiều công trình, phần việc thanh niên mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, giúp địa phương phát triển bền vững...
Những tồn tại đang đặt ra cũng chính là những yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp bộ Đoàn cần khắc phục trong quá trình thực hiện thời gian tới.
Hai năm qua, cả nước có 50/67 tỉnh, thành đoàn và cụm đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn triển khai được các chương trình hỗ trợ, kết nghĩa, chi viện cho các vùng biên giới, hải đảo; 43/67 đơn vị có hoạt động kết nghĩa với các đơn vị quân đội đóng quân nơi biên giới, hải đảo. Toàn Đoàn tổ chức được 187.974 đợt hoạt động tình nguyện với hàng triệu ngày công lao động của đoàn viên, thanh niên, sinh viên... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.