Với hơn 3.000km bờ biển suốt dọc chiều dài đất nước, biển đảo là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Và vùng biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa nơi tuyến đầu Tổ quốc là nơi in dấu những trang sử hào hùng của cha ông, nơi tiềm ẩn biết bao vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng ngoạn, khám phá. Những trang sách về biển đảo sẽ đưa các độc giả nhỏ tuổi đến tham quan “xứ sở của sóng và gió”.
"Tour" khám phá đảo đầu tiên mà các bạn nhỏ không thể bỏ qua là cuốn sách “Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa” của các tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng.
Cuốn sách được ví như một con tàu tốc hành đi trong không gian đưa các độc giả nhí tới thăm các đảo và quần đảo trong vùng biển chủ quyền nước Việt.
Bao gồm 3 phần “Tổ quốc ta bao la biển cả”, “Lần giở trang sử ông cha để lại”, “Giữ biển trời quê hương”, cuốn sách giúp độc giả ngược thời gian để tìm hiểu cha ông mình đã làm chủ và khai thác biển đảo như thế nào, để từ đó càng thấy tự hào và biết ơn công lao của bao thế hệ người Việt Nam đã tạo lập và gìn giữ đất nước.
Nếu các bạn nhỏ đã từng thắc mắc: “Trường Sa ở đâu vậy nhỉ?/ Mà em chưa thấy bao giờ/ Nhìn lên bản đồ đất nước/ Nhấp nhô sóng vỗ xa bờ”, thì các em có thể tìm thấy câu trả lời trong tập thơ “Trái tim của đảo” của nhà thơ Hồ Huy Sơn ra mắt cách đây chưa lâu.
Ở đó, tác giả đã vẽ một “tấm bản đồ bằng thơ” để các em biết rằng: “Trường Sa ở giữa biển khơi/ Nhưng mà cũng không xa lắm/ Vẫn là Tổ quốc mình thôi!” ("Nơi ấy là Trường Sa"), để các em sẽ thấy quần đảo Trường Sa không chỉ có “cây bàng vuông trổ nụ hoa bé xinh”, “vỏ ốc kết thành bông hoa lạ”, “bãi cát biết chạy mỗi khi mùa sang” và “chú lính hải quân đêm ngày giữ biển” mà ở đó còn có lớp có trường, có thầy có cô, có các bạn nhỏ “Mỗi bước chân tới lớp/ Tiếng sóng nâng dặt dìu/ Cờ Tổ quốc dõi theo/ Reo ca nơi cột mốc” ("Đi học").
Những hình ảnh thân thương, quen thuộc ấy sẽ giúp các độc giả nhỏ tuổi cảm thấy rõ ràng “Không xa đâu Trường Sa ơi”, để những hạt giống tình yêu biển đảo quê hương sẽ được gieo trồng, bám rễ và ngày một lớn lên trong trái tim từng bạn nhỏ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Thời nhà Nguyễn, muốn ra Trường Sa thời gian phải tính bằng tháng bằng năm, sau này rút ngắn hơn rất nhiều. Đến bây giờ các bạn có thể đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam mình rất thuận tiện, nhanh chóng, chỉ còn một vùng đặc biệt nhất, đó là Trường Sa, vẫn còn xa xôi về địa lý. Nhưng Trường Sa thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam trở nên gần gũi vì câu chuyện Trường Sa, cảm hứng Trường Sa đã được kể qua các thế hệ trong rất nhiều bài hát, khúc thơ, trang văn”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cũng đã gửi đến bạn đọc tình yêu biển đảo của mình qua tác phẩm “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, cuốn sách đã được trao giải Sách hay năm 2012 của Hội Xuất bản Việt Nam.
Từng là một người lính đảo có nhiều năm gắn bó với Trường Sa, nên những câu chuyện kể của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa hấp dẫn, thú vị về những cây phong ba, bão táp, về những chú cá heo, cá chuồn biết bay... vừa xúc động, tự hào về những sự tích oanh liệt, bi tráng, những tấm gương anh hùng, dũng cảm và cả những mất mát, hy sinh của lớp cha anh đi trước trong sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mở ra cuộc phiêu lưu đầy cuốn hút đến với biển đảo là hai tác phẩm “Hải Âu đi tìm cha” của tác giả Trần Thu Hằng và “Cà Nóng chu du Trường Sa” của nhà văn Bùi Tiểu Quyên.
Hai cuốn sách đưa độc giả bước vào hành trình khám phá biển đảo với những tình huống bất ngờ, thú vị cùng các nhân vật như Len, Lin, Cà Nóng. Theo từng trang sách, khung cảnh kỳ vĩ của trời biển, của đảo nổi đảo chìm, của những nhà giàn do bàn tay khối óc con người xây dựng... sẽ được khắc họa từng nét, từng phần để các độc giả nhỏ tuổi tha hồ tưởng tượng và sau đó được cảm nhận, được học hỏi, được chất đầy một tình yêu với biển đảo quê hương.
Bên cạnh các trang văn bay bổng, giàu nhạc điệu, cuốn sách ảnh “Trường Sa nơi ta đến” của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà kể cho các bạn nhỏ một cách trực quan nhất những câu chuyện về Trường Sa.
Tập hợp khoảng 150 bức ảnh, tác giả Nguyễn Mỹ Trà tái hiện vẻ đẹp trong trẻo và tráng lệ của Trường Sa qua nhiều thời khắc, từ một cơn giông đến một chiếc cầu vồng, từ một khung trời qua ô cửa đến một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng hay một cơn mưa chập chờn phía xa khơi mà những người lính đảo vẫn chờ mong để có thể hứng được giọt nước ngọt...
Để lưu lại được từng khoảnh khắc ấy không phải là điều dễ dàng khi con tàu đang lênh đênh trên biển, khi tác giả phải đối mặt với những cơn say sóng, say nắng, khi rất nhiều lúc chỉ cần một cơn gió mạnh cũng khiến con tàu rung lắc dữ dội, máy ảnh và cả người chụp ảnh có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào...
Cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến”, bởi thế, không chỉ đơn giản là hình ảnh cảnh vật, thiên nhiên, mà còn là những lát cắt cảm xúc chân thực về cuộc sống của quân và dân nơi đảo xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.