Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tuổi hưu” nổi giận

Quỳnh Chi| 21/06/2010 07:40

(HNM) - Đó là nguyên cớ đốt nóng không chỉ tại nhiều thành phố của nước Pháp cuối tuần qua mà còn trên cả hệ thống truyền thông của xứ sở Gaulois sau khi Điện Elysée tung ra kế hoạch cải cách chế độ hưu trí. Theo đó, tuổi người nghỉ hưu ở Pháp sẽ là 62 tuổi thay vì 60 như hiện nay.

Ngay lập tức kế hoạch - được cho là đụng chạm đến rất nhiều giới từ tuổi về hưu đến thời gian đóng góp quỹ hưu cũng như đánh thuế bổ sung lên người giàu... - của Chính phủ đã hứa hẹn những ngày nóng bỏng tới đây tại Pháp. Nhất là khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã vô tình châm ngòi cho "quả bom" cải cách hệ thống hưu trí này của Điện Elysée.

Các nghiệp đoàn Pháp biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, các khoản thu nhập từ việc đầu tư, quyền lựa chọn cổ phiếu… sẽ bị đánh thuế cao hơn, những người có mức lương hưu cao cũng sẽ phải chịu thuế nặng hơn. Người lao động sẽ phải làm việc 41,5 năm mới được nhận lương hưu, tăng thêm một năm so với quy định hiện hành (40,5 năm). Kèm theo đó, nếu kế hoạch được thực thi sẽ tăng thuế lên những công chức nhà nước nhận lương hưu thuộc hàng "đỉnh"; đồng thời chính quyền cũng sẽ áp thuế 10,55% đối với lương hưu ở khu vực tư nhân. Nhưng yếu tố gây tranh cãi nhất là độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp sẽ nâng lên từ 60 thành 62.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, người Pháp đang ngày càng sống lâu hơn. Tuổi thọ trung bình ở nước này hiện xấp xỉ 80 tuổi, nghĩa là một người về hưu vào 60 tuổi sẽ có đến 20 năm nhàn rỗi. Đây là một gánh nặng đáng kể cho ngân sách, đặc biệt khi thế hệ "baby boom" (bùng nổ trẻ em trong giai đoạn 1950-1970) sẽ về hưu đông đảo vào năm 2020. Vì vậy, cải cách "tuổi hưu" sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách của Chính phủ lên tới 45 tỷ euro (54,5 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới. Các dự đoán hiện nay đều cho rằng thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2010 sẽ vào khoảng 8% và kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt có thể sẽ giúp đưa mức thâm hụt xuống còn 6% GDP trong năm 2011, 4,6% GDP vào năm 2012 và chỉ còn 3% GDP vào năm 2013.

Những người phản đối kế hoạch nêu trên cho rằng, kế hoạch nhằm vào người hưu trí không hề có mặt trong chương trình tranh cử của ứng cử viên N.Sarkozy trước đây; và nếu có, chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi của người đứng đầu Điện Elysée hôm nay. Nhược điểm của kế hoạch cải cách chế độ hưu trí đã được những người làm công ăn lương Pháp vạch rõ. Và điều trớ trêu ở chỗ, việc người cao tuổi ngồi lại nhiệm sở lâu hơn sẽ ngăn cản thế hệ trẻ bước vào đời. Người già đã đến lúc cần nghỉ ngơi thì lại phải nai lưng ra làm trong khi lớp thanh niên cần việc làm thì lại bị thất nghiệp. Đây là một nghịch lý chưa từng thấy thành luật với giới cần lao Âu - Mỹ. Do đó, các nhật báo hàng đầu của Pháp cuối tuần qua đã đồng loạt đưa chủ đề "tuổi hưu" này lên trang nhất với những cái tít đáng chú ý như: "Cuộc cải cách gây sốc", "Hưu trí: Không phải là món quà" hay "Một dự luật bất công cần phải được soạn thảo lại"...

Riêng thời báo kinh tế Les Echos cho rằng, Chính phủ của Tổng thống N.Sarkozy đã từ bỏ khát vọng cho các chính sách xã hội mang tính biểu tượng của kỷ nguyên Francois Mitterand. Nhưng trong một đất nước đang lão hóa, muốn kết thúc một hệ thống đang dành nhiều phúc lợi cho những người trên 45 tuổi không phải là việc dễ dàng. Kế hoạch lần này đụng chạm đến rất nhiều giới, từ tuổi về hưu chính thức, thời gian đóng góp vào quỹ hưu trí, đánh thuế bổ sung lên người giàu và doanh nghiệp đều được đề cập đến. Riêng với giới công chức vốn quen được ưu tiên, nay phải chịu chung chế độ với lĩnh vực tư, sẽ là một cú sốc.

Trước đây người tiền nhiệm của ông N.Sarkozy, cựu Tổng thống Jacques Chirac từng đề xuất thay đổi chính sách an sinh xã hội được xem là quá hào phóng của Pháp nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Chính phủ. Tuy nhiên, ý định này đã không thành khi vấp phải sự phản đối quá mạnh mẽ từ phía người dân.

Hiện nay, các nghiệp đoàn Pháp đã kêu gọi biểu tình phản đối trên toàn quốc trong 72 giờ tới. Nếu Tổng thống Pháp N.Sarkozy nhất quyết đưa kế hoạch này ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 20-7 như dự kiến, một nước Pháp lại tê liệt vì các cuộc biểu tình sẽ là một hiện thực được báo trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tuổi hưu” nổi giận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.