Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước triển khai dịch vụ 5G

Việt Nga| 05/04/2021 06:45

(HNM) - Dịch vụ 5G được các nhà mạng thử nghiệm thương mại tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có nhiều khu công nghiệp. 5G được kỳ vọng tạo ra nhiều giá trị cho người dân và nền kinh tế, song sẽ được triển khai từng bước thận trọng, thay vì thực hiện đại trà như 4G trước đây.

Tập đoàn Vingroup đã sản xuất điện thoại 5G để phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Dịch vụ 5G (5thGeneration - thế hệ mạng di động thứ năm) được nhà mạng Viettel tiên phong thử nghiệm kỹ thuật từ năm 2019. Tiếp đó,  VNPT/ VinaPhone, MobiFone thử nghiệm đầu năm 2020. Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, cả ba nhà mạng trên đã thử nghiệm thương mại tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2020, sau đó triển khai tại Bắc Ninh, Bình Phước - hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, vào đầu năm 2021.

Là khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G, anh Vũ Tuấn Hưng, Khu đô thị Trung Văn, đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, việc các nhà mạng phát sóng 5G là sự kiện mà cộng đồng công nghệ Thủ đô mong chờ. Tốc độ 5G tải về có ưu thế vượt trội giúp người dùng dễ dàng làm việc hay trải nghiệm nhiều ứng dụng.

Về phát triển khách hàng cá nhân, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) Nguyễn Trường Giang cho biết, đến nay VinaPhone có hơn 10.000 thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ 5G. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) Lê Bá Tân, hiện Viettel đã có 17.500 thuê bao đăng ký thành công gói 5G khuyến mại trong tổng số 29.000 máy đang hỗ trợ 5G (tính đến hết tháng 2-2021).

Đánh giá về dịch vụ 5G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, những cơ hội lớn từ kinh tế số, chuyển đổi số được mang lại từ công nghệ 5G, hạ tầng băng rộng nói riêng và hạ tầng số nói chung. Một nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự báo, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam đạt 7,34% vào năm 2025.

Liệu có chạy đua đầu tư 5G?

Với tốc độ truy cập internet di động lên đến hơn 1Gbps, gấp 10 lần tốc độ 4G hiện nay, 5G được đánh giá đem lại những trải nghiệm công nghệ, ứng dụng hiện đại nhất như thực tế ảo (AR/VR), điều khiển robot... Và với những ưu thế vượt trội này, 5G được dự báo dùng chủ yếu cho sản xuất thông minh, cho các khu công nghiệp công nghệ cao, phẫu thuật từ xa, xe tự lái...

Thực tế này cũng được các nhà mạng công bố trong lộ trình cung cấp dịch vụ 5G. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel Lê Bá Tân, ngoài 5 địa phương đã chính thức khai trương 5G gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, trong tháng 4-2021, Viettel sẽ phát sóng 5G tại 10 tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp khác.

Cũng theo ông Lê Bá Tân, Viettel triển khai 5G theo lộ trình, trong đó giai đoạn 2020-2022 triển khai theo diện hẹp; giai đoạn 2023-2025 triển khai trên diện rộng ở thủ phủ các tỉnh, thành phố đáp ứng nhu cầu cho 15 triệu thuê bao; từ năm 2026 cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc. Vấn đề triển khai 5G cũng được Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trường Giang thông tin, Tập đoàn VNPT ưu tiên đầu tư 5G tại các khu vực trọng điểm, khu công nghiệp công nghệ cao, khu trung tâm có nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn.

Trước đó, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cũng cho biết, Viettel sẽ không phát triển ồ ạt 5G trong cả nước như 4G. Tương tự, Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long khẳng định, VNPT triển khai dịch vụ 5G một cách thận trọng và phụ thuộc vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Cũng trong định hướng phát triển 5G, các nhà mạng đều cho biết, dịch vụ 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng số (mua hàng trực tuyến, giải trí, học tập, khám, chữa bệnh...) như một dịch vụ gia tăng cho người dùng. Cũng theo đánh giá, hết năm 2021, cả nước ước có khoảng 1,5-2 triệu máy hỗ trợ 5G nên việc mở rộng phủ sóng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng của khối khách hàng này. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn 2023-2025 thì 5G mới phổ biến được như 4G.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng từng nhận định, dịch vụ 5G khó triển khai như 4G vì còn phụ thuộc thiết bị đầu cuối (máy điện thoại), giá cả, ứng dụng trên 5G... Đó là những yếu tố cân nhắc xem xét khi nào triển khai đại trà 5G tại Việt Nam để bảo đảm hiệu quả nhất.

Còn Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép chính thức cho nhà mạng triển khai 5G trong năm 2021 sau khi thử nghiệm thương mại. Tuy nhiên, 5G có thể sẽ không được triển khai ngay trên toàn quốc như các công nghệ trước đó, mà chỉ ở một số thành phố lớn có nhu cầu, hoặc ở địa bàn các khu công nghiệp có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước triển khai dịch vụ 5G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.