(HNM) - Tổng cục Du lịch vừa triển khai chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú (CSLT) từ 3 đến 5 sao trên toàn quốc. Hoạt động này không chỉ nhằm duy trì chất lượng dịch vụ tại các CSLT đã được công nhận hạng sao, mà còn hướng đến làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam theo hướng tích cực.
Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú góp phần thu hút ngày càng đông du khách quốc tế đến Việt Nam. |
Chọn điểm đột phá
Thời gian qua, hệ thống CSLT ở nước ta không ngừng tăng trưởng cả về chất và lượng. Hiện tại, cả nước có khoảng 20.100 CSLT với 400.000 phòng nghỉ. Trong giai đoạn 2010-2015, số khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao đã tăng gấp đôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn CSLT du lịch, nhất là các khách sạn 4-5 sao thường xuyên duy trì chất lượng dịch vụ, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên thì vẫn có không ít đơn vị đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ sau khi được Tổng cục Du lịch, Sở VHTT&DL, Sở Du lịch xếp hạng. Một số CSLT không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu tính chuyên nghiệp, thái độ ứng xử với khách thiếu lễ phép, thiếu thân thiện. Những hạn chế này, dù không phổ biến nhưng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, trong chuỗi giá trị du lịch thì dịch vụ lưu trú ở vị trí trung tâm, có ảnh hưởng lớn đến thái độ, sự đánh giá của du khách đối với hoạt động du lịch nói chung. Chính vì vậy, tác động vào khâu này chính là góp phần giải quyết phần lõi của vấn đề.
"Chúng ta đã có Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia làm căn cứ pháp lý để rà soát, đánh giá, xem xét và kiểm tra hoạt động dịch vụ lưu trú. Bộ tiêu chuẩn này đã quy định chi tiết đến từng hạng mục kỹ thuật như cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, kỹ năng, nguồn nhân lực, thiết bị bảo đảm an toàn... Việc lựa chọn phân khúc CSLT du lịch 3-5 sao để áp bộ tiêu chuẩn này là để khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín của Ngành Du lịch, đồng thời thể hiện sức mạnh cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và quốc tế", ông Ngô Hoài Chung cho biết.
Cũng theo ông Ngô Hoài Chung, theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chúng ta đã xác định xây dựng Ngành Du lịch hiện đại, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, việc lựa chọn CSLT cao cấp để chấn chỉnh, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đem đến sự hài lòng cho du khách là hoàn toàn phù hợp.
Mạnh tay xử lý sai phạm
Chiến dịch chấn chỉnh hoạt động của khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc bắt đầu thực hiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận. Theo đó, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các địa phương, các CSLT du lịch hạng cao cấp và hạng từ 3 đến 5 sao thực hiện giải pháp bảo đảm chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về du lịch và các dịch vụ có liên quan; kiểm tra chất lượng dịch vụ của các CSLT du lịch 3-5 sao tại một số trung tâm du lịch. Ông Ngô Hoài Chung cho biết, đợt kiểm tra này nhằm tạo hiệu ứng rộng rãi trong giới kinh doanh khách sạn về việc bảo đảm chất lượng CSLT.
Qua đợt kiểm tra này, những cơ sở không đủ tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, nhân lực sẽ bị đề xuất thu hồi quyết định công nhận hạng sao hoặc nhắc nhở, cho thời hạn 3 tháng để khắc phục. Ngay trong các ngày 29 và 30-9, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đã dẫn đầu Đoàn đi kiểm tra các khách sạn 3-5 sao ở TP Huế. Kết quả, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng 4 sao của khách sạn ASIA (17 Phạm Ngũ Lão, TP Huế) với lý do khách sạn này chưa duy trì tốt chất lượng dịch vụ, trang thiết bị xuống cấp, thiếu tiện ích, nhân viên chưa chuyên nghiệp.
Ngoài chiến dịch rà soát, chấn chỉnh các CSLT trên toàn quốc, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các Sở VHTT&DL, Sở Du lịch, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTT&DL trong việc thực hiện một số giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý CSLT du lịch. Trong đó, đặc biệt chú ý chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các CSLT đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và thái độ ứng xử của nhân viên, năng lực quản trị khách sạn, khắc phục tình trạng thiếu hụt và yếu kém về nhân lực tại các CSLT du lịch. Ngoài ra, sẽ tổ chức thông tin, quảng bá về các cơ sở có chất lượng tốt, gửi thông điệp rõ ràng về những cơ sở chất lượng kém để bảo đảm quyền lợi cho du khách.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch một cách quyết liệt nhằm kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh tất cả các khách sạn 3-5 sao, đồng thời tiến hành phúc tra, kiểm tra lại đối với các cơ sở đã bị nhắc nhở nhằm duy trì chất lượng đúng với hạng sao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc khách sạn Eastin Easy GTC: Rà soát, chấn chỉnh hoạt động là việc làm thiết thực để Ngành Du lịch phát triển. Chiến dịch mà Tổng cục Du lịch phát động là cơ hội để các cấp quản lý và cả các doanh nghiệp rà soát hoạt động của mình. Riêng với các CSLT, điều này đảm bảo các doanh nghiệp luôn hoạt động theo đúng thứ hạng đã được cơ quan quản lý xếp hạng, nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất, mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Thực tế việc kiểm tra, rà soát tại Eastin Easy GTC cho thấy, đây cũng chính là một kênh tiếp thị rất tốt cho khách sạn nói riêng và Ngành Du lịch nói chung. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.