Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ vụ nổ tại TP HCM: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Hà Phạm| 21/10/2014 17:08

(HNMO) - Vụ nổ đã làm 3 người chết, làm sập hoàn toàn 7 căn nhà và khoảng 50 căn nhà trong vòng bán kính 50m bị hư hại nghiêm trọng.



Điều đáng nói, theo UBND quận 12, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đặng Huỳnh (66/2 đường Lê Thị Riêng, KP5, P. Thới An, quận 12) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ đầu năm 2003. Như vậy, có thể hiểu công ty này đã tồn tại 11 năm nay. Qua công tác điều tra ban đầu của cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng trên nhiều khả năng do các công nhân bất cẩn trong quá trình sản xuất gây nổ các chất hóa học là tiền chất của chất nổ. Và cũng không loại trừ khả năng bào chế thuốc pháo do sơ ý gây nổ. Như vậy, xét vào giấy đăng ký kinh doanh có thể thấy hoàn toàn không có trong danh mục được sản xuất.

Vậy, để một cơ sở nằm trong khu dân cư 11 năm nay với việc sản xuất các chất có khả năng gây cháy nổ cao và nằm ngoài danh mục kinh doanh (theo kết luận điều tra ban đầu) như vậy thì trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?


Danh mục cấm

Theo báo cáo khẩn của UBND quận 12 gửi lên UBND TP Hồ Chí Minh, Công ty Đặng Huỳnh do ông Huỳnh Văn Hải (SN 1970) đứng đại diện đăng ký kinh doanh. Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4102014763 do Sở kế hoạch và đầu tư cấp lần 1 vào ngày 28-3-2003; đăng ký thay đổi lần 1 ngày 2-7-2004, với ngành nghề kinh doanh: Sản xuất và mua bán giống cây trồng. Mua bán vật tư nông nghiệp (trừ thuốc bảo vệ thực vật). Tư vấn kỹ thuật về cây trồng. Bổ sung: Sơ chế biến và mua bán nông sản (trừ chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở). Đặc biệt là không được sản xuất phân bón tại trụ sở, tuy nhiên cơ sở này đã sản xuất trái phép nên gây ra vụ nổ như nêu trên.

Cũng theo báo cáo kết luận điều tra ban đầu của cơ quan Công an TP, sản phẩm của công ty Đặng Huỳnh làm ra bao gồm: Phân bón lá và thuốc xịt bảo vệ hoa. Nguyên liệu dùng để sản xuất gồm: Các hợp chất hóa học như Kali Nitrat (KNO3), Kali Clorat (KCLO3), Napthalen Acetic Axit (NAA), Mono Kali Photphat (MKP), Amoniac (NH3) và một số đơn chất hóa học như lưu huỳnh (S), kẽm (Zn), Canxi (Ca)… Đây là các thành phần hóa học đều là các chất tạo ra các chất nổ.

Theo cơ quan Công an TP, quy trình sản xuất đều là thủ công, nhân viên cân hóa chất theo tỷ lệ nhất định cho từng loại sản phẩm rồi dùng tay trộn đều cho vào chai hoặc hũ đậy nắp lại rồi dùng bếp gas mini đun sôi nước nhúng miếng nilon dán bọc nắp lại (gọi là màng co) rồi dán nhãn hàng. Tại thời điểm xảy ra vụ nổ, tại công ty Đặng Huỳnh có chứa khoảng 320kg KNO3, 25kg KCLO3, 150kg (NH2)2CO, các chất này được đựng trong bao xếp thành một đống trước cửa phòng pha trộn phân bón.


Như vậy, nếu chiếu theo quy định thì các chất có khả năng gây nổ này hoàn toàn cấm sản xuất trong khu dân cư và rất thiếu an toàn cho người lao động trực tiếp lẫn dân cư gần đó. Đặc biệt, có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào, điều này đồng nghĩa thiếu an toàn rất cao.

Cần kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi báo Hànộimới, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kết luận đều tra ban đầu của cơ quan Công an TP thì các chất được phát hiện tại cơ sở không nằm trong danh mục đăng ký kinh doanh được cấp phép, đặc biệt các thành phần hóa học đều là các chất tạo ra các chất nổ. Do đó, trước hết trách nhiệm thuộc về chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Đặng Huỳnh. Trong trường hợp có kết luận điều tra chính thức tương tự như kết luận ban đầu này thì ngoài việc chịu xử phạt về hành chính, tiền bồi thường cho các gia đình nạn nhân và các hộ gia đình bị ảnh hưởng, chủ doanh nghiệp này phải bị khởi tố hình sự do gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, từ vụ việc trên cũng thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương mà ở đây là UBND quận 12. Có thể thấy, cơ sở này tồn tại trong dân cư đã hơn 10 năm nay nhưng đến khi xảy ra vụ việc đau lòng này thì UBND quận 12 mới “tá hỏa” là cơ sở này được cấp giấy phép năm 2003. Khoảng thời gian hơn 10 năm là quá dài, do đó cần phải kiểm điểm trách nhiệm của chính quyền địa phương do đã không hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao theo quy định. Cụ thể, UBND quận 12 có thường xuyên chỉ đạo chính quyền phường kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất và kinh doanh tương tự như trên hay không? chắc năng giám sát và kiểm tra đối với các cơ sở, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh chất cấm và có khả năng gây cháy nổ cao của chính quyền địa phương đã làm tốt hay chưa? các biện pháp xử lý của chính quyền địa phương đối với các cơ sở này như thế nào? Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền ra sao mà lại để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên? liệu chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa?...

Có thể nói, để xảy ra vụ việc này thì người đứng đấu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, trong đó phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nếu trong trường hợp kết luận chính thức của cơ quan điều tra tương tự như trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ.


Trong vài trăm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã để xảy ra nhiều vụ nổ rất nghiêm trọng trong khu dân cư, làm thiệt hại về người và của cải vô cùng lớn. Từ vụ nổ tại nhà “Phương khói lửa” cho đến vụ việc trên đây đã cho thấy sự báo động thực sự cho chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc quản lý cơ sở, xí nghiệm sản xuất và kinh doanh về chất dễ gây ra cháy nổ trong khu dân cư. Từ đó, đặt ra cho cơ quan chức năng liên quan của TP nhiều câu hỏi như: Hiện có bao nhiêu cơ sở như thế này nằm trong khu dân cư trên địa bàn TP? Liệu các cơ sở này đã đảm bảo khoảng cách an toàn chưa? Việc quy hoạch các cơ sở này đến đâu rồi? Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan đã tốt chưa? Năng lực của cơ quan chuyên môn đến đâu? Việc cấp phép cho các cơ sở trên đã đúng chưa?...

Theo chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh, các cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn TP sẽ di dời khỏi khu vực dân cư, tập trung ở một chợ đầu mối để bảo đảm an toàn cho người dân. Thế nhưng, hiện việc kinh doanh hóa chất vẫn chưa được kiểm soát chặt từ việc cấp phép đến khâu hậu kiểm dẫn đến hoạt động này luôn tiềm ẩn mối nguy hại về cháy nổ, gây ngộ độc người dân quanh khu vực, điều gây bức xúc nhất cho dư luận.

Theo thống kê của Sở Công thương TP, trong quý 3-2014, Chi cục quản lý thị trường TP đã kiểm tra 473 vụ gồm: 408 cơ sở và 61 hộ kinh doanh hóa chất; trong đó phát hiện 215 đơn vị vi phạm, chủ yếu vi phạm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất. Qua đó, xử phạt 210 đơn vị, tịch thu 4.475 kg hóa chất công nghiệp, chuyển cho cơ quan công an thụ lý 2.200 kg KNO3 và 7.869 tấn hóa chất vi phạm quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ nổ tại TP HCM: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.