Chiều 8-11, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo".
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đã tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Đáng chú ý là việc triển khai có hiệu quả Đề án 939 của Chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, gần đây là đề án số của Chính phủ về Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu giữa Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống…
"Hội thảo là dịp để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ trong hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng", bà Lê Kim Anh chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về vai trò, tiềm năng của phụ nữ các tỉnh, thành phố trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số… Đồng thời, nhận diện những khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp phát huy vai trò, tăng cường kết nối giữa phụ nữ và tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nữ doanh nhân, Hiệp hội làng nghề trong tham gia phát triển kinh tế địa phương và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền quận triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế của quận, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của quận. Trong đó, quận ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP để kết nối tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ” với 56 sản phẩm, trong đó, có 7 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể, 2 sản phẩm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ, giới thiệu 63 phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, giải quyết việc làm cho 3.116 lao động là hội viên phụ nữ; tạo điều kiện cho 3.087 hội viên phụ nữ được vay vốn với số tiền 229.586 triệu đồng, chiếm 73,38% dư nợ toàn quận; hỗ trợ hội viên phụ nữ các huyện, tỉnh, thành bạn tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản, sản phẩm OCOP.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ về ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xanh bền vững cho doanh nghiệp tại làng nghề. Đặc biệt là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng, huyện Gia Lâm), nơi bà làm chủ đã tập trung vào các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh để tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị trường xuất khẩu.
“Hiện nay, nhà máy đang tiến hành nâng cấp nhà máy với việc sử dụng pin năng lượng mặt trời áp mái để thu hồi nhiệt, phục vụ cho sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xanh, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch…”, bà Vinh chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.