Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ trận úng ngập ảnh hưởng cơn bão số 6: Sông Nhuệ “kêu cứu”!

Minh Huệ| 22/08/2013 06:58

(HNMO)- Năng lực tiêu thoát nước của hệ thống sông Nhuệ ngày càng hạn chế. Điều đó đã được chứng minh trong đợt úng ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua...

Quá tải tiêu thoát nước

Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ được xây dựng năm 1938, với nhiệm vụ chính là tiêu cho 107.530 ha của toàn bộ lưu vực (gồm Hà Nội và Hà Nam) và tưới cho gần 81.150 ha (nay còn khoảng 53.000 ha). Bước vào mùa mưa bão, trục chính sông Nhuệ ngoài nhiệm vụ tạo nguồn tiêu cho cả hệ thống, còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là đường dẫn tiêu cho khu vực nội thành Hà Nội (khu vực phía tây) với diện tích gần 18.190 ha (nằm giữa bờ hữu sông Tô Lịch đến bờ tả sông Đáy.

Tuy nhiên, năng lực tiêu của sông Nhuệ được thiết kế ở mức 9l/s/ha, nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên thực tế đòi hỏi tốc độ tiêu gần 20l/s/ha. Bởi vậy, những năm gần đây, mỗi khi mùa mưa bão đến, hầu như trục chính sông Nhuệ không thể đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước. Cụ thể, trận úng ngập từ trận mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua đã cho thấy sự “quá tải” của sông Nhuệ. Mặc dù mưa chỉ kéo dài 2 ngày, với lượng mưa xấp xỉ 200mm nhưng hệ thống đê sông Nhuệ đã xảy ra sạt lở, rò rỉ nước qua thân đê, nhiều nơi nước đã tràn bờ gây úng ngập sâu tại nhiều tuyến đường giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của nhân dân. Trong trận mưa đó, hệ thống bờ đê sông Nhuệ đã xuất hiện hàng loạt các điểm xung yếu, đe dọa có thể vỡ đê nếu như trời tiếp tục mưa.

Nhiều công trình xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang sông Nhuệ vẫn tiếp tục phát sinh trong thời gian gần đây trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thành Oai, Hà Nội). Ảnh: Minh Huệ


Theo bà Hạnh, thực tế đòi hỏi năng lực tiêu của hệ thống sông Nhuệ tăng lên nhưng việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống chưa tương xứng; một số dự án đã được phê duyệt nhưng tiến độ triển khai chậm do chưa bố trí được vốn hoặc vướng mặt bằng... Bên cạnh đó, để bảo đảm năng lực tiêu thoát nước như thiết kế, theo định kỳ từ 5 đến 7 năm, lòng sông Nhuệ phải được nạo vét toàn tuyến một lần, tuy nhiên đã từ nhiều năm nay mới triển khai nạo vét được một số đoạn. Ngoài nguyên nhân do kinh phí nạo vét toàn bộ hệ thống sông là rất lớn, và lượng kinh phí này sẽ “đội lên” gấp bội bởi hiện tại nhiều đoạn sông có mặt bằng để chứa hoặc vận chuyển bùn đất ra ngoài do hành lang đê, lòng sông đã bị lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Còn đó nỗi lo

Có thể nói, lòng sông Nhuệ ngày càng bị bồi lắng, thu hẹp ảnh hưởng đến năng lực tiêu thoát nước một phần cũng bởi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng đổ ra ven sông; bên cạnh đó là việc lấn chiếm, xây dựng trái phép dọc 2 bờ sông, đặc biệt là trên trục chính.Theo thống kê mới nhất của Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi sông Nhuệ, trên địa bàn Hà Nội, tổng số vụ vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc phạm vi trục chính sông Nhuệ là 5.055 vụ, trong đó mức độ vi phạm xây dựng nhà cấp 3 là 1.180 vụ (với diện tích không hợp pháp hơn 25.320m2); xây dựng nhà cấp 4 là 1.972 vụ (diện tích không hợp pháp gần 65.480m2)... Trong khi đó, tại các địa phương có sông Nhuệ chảy qua, có tiến hành giải tỏa các công trình vi phạm nhưng kết quả không đáng kể so với số vụ vi phạm, thậm chí một số địa phương còn để phát sinh vi phạm mới.

Các trường hợp vi phạm, ngoài hình thức như xây dựng nhà cửa, xưởng sản xuất, lều lán, còn đang diễn ra tình trạng các trang trại chăn nuôi thủy sản đào ao vi phạm chân đê sông Nhuệ. Điển hình là trên địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Đoạn đê sông Nhuệ qua đây có chiều dài khoảng 900m, mặt đê rộng trung bình 4m. Đây được đánh giá là một trong những đoạn có mặt đê hẹp và yếu thuộc bờ tả trục chính sông Nhuệ. Tại đây, do cao độ trung bình của đê từ +5,8 đến +6,0 nên thường xảy ra sự cố tràn bờ khi nước sông Nhuệ lên cao, đặc biệt đoạn đê khu vực Hạ Đồng (dài khoảng 180m), mái đê phía trong đồng mái dốc thẳng đứng, hoắm vào chân do sạt lở; mặt đê trung bình chỉ còn khoảng 3m cũng bị sạt lở. Trong đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, gần 200m đê trong tình trạng lung lay, rò rỉ, trong đó có khoảng 40m sạt lở nặng, đào sâu vào thân đê từ 60-70cm. Điều đáng nói, các ao thả cá của một số hộ có trạng trại thuộc đoạn đê này đang “ăn” sát vào chân đê gây sạt lở.

Đoạn đê bờ tả sông Nhuệ chạy qua địa bàn xã Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) tạm thời gia cố lại sau ảnh hưởng cơn bão số 6 vừa qua. Ảnh: Minh Huệ


Lý giải điều này, ông Trần Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, khu vực trang trại này hình thành 2003-2004. Thời gian trước, các ao nuôi thả cá không “ăn” vào chân đê như bây giờ. Qua thời gian, bờ bị phá dần mới dẫn đến tình trạng ăn sâu vào đê như hiện nay. Hiện, toàn bộ đoạn đê sạt lở đã được xã Đại Áng xử lý, gia cố bằng cọc tre, phên nứa. Về lâu dài để bảo đảm an toàn cho đê, tránh có thể bị vỡ khi có mưa lũ, theo ông Trần Quốc Oai, cần phải gia cố, đắp lại đoạn đê qua địa bàn xã Đại Áng.

Trước tình trạng vi phạm hành lang đê sông Nhuệ ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, việc xử lý giải tỏa chia thành nhiều bước: Trước hết, không để phát sinh vi phạm mới, đồng thời tập trung xử lý toàn bộ những trường hợp vi phạm từ năm 2011 đến nay; tiếp đến sẽ tiến hành giải tỏa các công trình trong lòng sông; sau đó giải tỏa toàn bộ vi phạm nằm trong hành lang sông Nhuệ tồn tại từ những năm trước. Dư luận cho rằng, tuy UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt, nhưng nếu các địa phương không thực sự vào cuộc thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Thực tế thời gian qua cho thấy, địa phương nào cũng thống kê, rà soát vi phạm nhưng kết quả giải tỏa lại hết sức “khiêm tốn” đó là một số lều lán, rau bèo trên sông. Bởi vậy, vẫn còn đó nỗi lo về tiêu thoát nước của sông Nhuệ mỗi khi bước vào trận mưa lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ trận úng ngập ảnh hưởng cơn bão số 6: Sông Nhuệ “kêu cứu”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.