LTS: Ngày 30-4-1975 ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là ngày thành phố Sài Gòn thoát khỏi sự lệ thuộc chính phủ ngoại bang. 40 năm sau ngày giải phóng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quyết tâm đồng lòng của người dân, TP Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
LTS: Ngày 30-4-1975 ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là ngày thành phố Sài Gòn thoát khỏi sự lệ thuộc chính phủ ngoại bang. 40 năm sau ngày giải phóng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quyết tâm đồng lòng của người dân, TP Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bài 1: “Hòn ngọc” của một xã hội tiêu thụ
Sài Gòn trước năm 1975 phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ. Sự phồn vinh giả tạo, xã hội tiêu thụ, sống gấp thời bấy giờ cũng làm nảy sinh hàng loạt vấn đề về xã hội.
Lệ thuộc…
Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của miền Nam, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng thành trung tâm kinh tế, đầu não chính trị của Việt Nam Cộng hòa. Trong khoảng 20 năm (1955-1975), Mỹ đã đổ vào chính quyền Sài Gòn 7,6 tỷ USD viện trợ kinh tế, trong đó khoảng 80% là viện trợ không hoàn lại. Với nguồn viện trợ khổng lồ từ Mỹ, ngành thương mại trong thời gian này phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt chợ lớn nhỏ, trung tâm thương mại, thương xá ra đời; hàng trăm đại diện các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu nước ngoài đã có mặt ở Sài Gòn.
Chợ Bình Tây là chợ trung tâm của khu vực Chợ Lớn năm 1965. Ảnh tư liệu |
Thế nhưng Sài Gòn lúc bấy giờ phụ thuộc hoàn toàn vào các hoạt động ngoại thương bên ngoài. Chính vì vậy, trong 20 năm (1955-1975), nếu xét về mức tăng trưởng thì công nghiệp miền Nam có giá trị sản lượng tăng khoảng 2,5 - 3 lần, nhưng vị trí của ngành trong GDP thì hầu như không tăng. Về giá trị sản lượng công nghiệp, miền Nam xuất phát ở một trình độ không thua kém so với các nước trong khu vực, xấp xỉ bằng Thái Lan. Nhưng sau khoảng 10 năm thì đã bị bỏ xa khá nhiều và từ những năm 60 trở đi, khoảng cách này ngày càng xa, miền Nam đã rơi xuống vị trí thấp nhất trong khu vực.
Vì nền kinh tế lệ thuộc vào viện trợ và các sản phẩm nhập khẩu nên khi Mỹ cắt dần viện trợ (sau ngày ký kết Hiệp định Paris vào đầu năm 1973) thì cuộc sống người dân lập tức rơi vào khó khăn.
Giáo sư kinh tế Đại học Harvard Nguyễn Tiến Hưng (Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Kế hoạch của chế độ Sài Gòn, phụ tá đặc biệt cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), trong cuốn sách "Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập" viết chung với Jerrold L.Schecter (phóng viên của Tạp chí Time ở Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1963) đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy sự phụ thuộc của chính quyền Sài Gòn với chính phủ Mỹ.
Theo tác giả "Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập", trong những năm chiến tranh, hàng nhập khẩu hơn 800 triệu USD hàng năm đã cứu nguy cho nền kinh tế. Thêm vào đó, đủ thứ hàng tiêu dùng từ các trạm bán hàng cho quân đội (PX) ở khắp các tỉnh đã biến những căn cứ thành một thị trường chợ đen hưng thịnh. Năm 1973, hàng nhập khẩu bị cắt giảm còn một nửa, ngân khố chính phủ suy sụp trầm trọng vì thuế nhập khẩu là nguồn thu nhập chính yếu. Ngân quỹ quốc gia giảm sút trong khi nạn thất nghiệp tăng lên.
Đỉnh điểm là vào ngày 11-7-1974, Thượng nghị sĩ Kennedy yêu cầu cắt 50% viện trợ kinh tế, từ 943 triệu USD xuống 475 triệu USD. Sự phồn vinh do viện trợ Mỹ nhanh chóng tan biến, thay vào đó là tình trạng kiệt quệ, hoang mang. "Giá nhiêu liệu tăng vọt sau khi ngừng nhập dầu Ả rập năm 1973, cùng với giảm bớt ngoại viện đã làm cách sống Sài Gòn thay đổi hẳn. Dân chạy xe gắn máy không tìm được xăng phải đi xe đạp trở lại. Xăng dầu cho ngư dân và nông dân cũng không đủ cung cấp. Triệu chứng căn bệnh của viện trợ Mỹ thật đau lòng", Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng viết.
Sự kiệt quệ về kinh tế khiến nạn thất nghiệp gia tăng, đồng tiền bị phá giá hàng tháng. Tờ báo Điện Tín, với trách nhiệm đấu tranh vì dân sinh dân chủ đã có hàng loạt bài viết phản ánh tình hình kinh tế, xã hội bi đát thời bấy giờ như: "Gạo giá cao dân không có tiền mua"; "Giới cung cấp thực phẩm kêu trời vì ngư cụ tăng 500%, thực phẩm gia súc quá cao trong khi thịt bán không tiêu thụ được"; "Phân bón tăng vọt, thiếu thuốc diệt trùng khiến sản xuất khó khăn"; "Vở học trò quá đắt, nhiều nơi học sinh phải nghỉ học"; "Số tử vong các bà mẹ Việt Nam gấp 5 lần các nước khác do điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại thiếu thốn"…
… và tệ nạn xã hội
Sự hỗn loạn của phồn vinh giả tạo, xã hội tiêu thụ sống gấp đã làm nảy sinh hàng loạt tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, hút chích ma túy… Hàng loạt quán rượu, nhà chứa, vũ trường… mọc lên phục vụ cho lính Mỹ. Nhiều thanh niên bị cuốn vào cuộc sống xô bồ, phức tạp, trở thành những trùm giang hồ, thành lập các băng du đãng, khuếch trương thanh thế, tranh giành lãnh địa. Cuộc sống của người dân Sài Gòn trước năm 1975 luôn trong tâm thế mạnh được yếu thua, bạo lực hoành hành. Hàng loạt khu vực Khánh Hội, cầu Ông Lãnh, khu vực Cầu Mống - Dân Sinh, khu vực Chợ Lớn… trở nên nổi tiếng với chuyện giang hồ, dao búa.
Mảnh đất được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông bên cạnh sự hào nhoáng bề ngoài là một thế giới ngầm của các băng du đãng. Cái tên Đại Cathay làm cho giới giang hồ khu vực cầu Mống - Dân Sinh - cầu Ông Lãnh và cả những người dân lương thiện phải kiêng dè. Tín Mã Nàm, một trùm cung cấp thuốc phiện, buôn rượu lậu là nỗi ám ảnh kinh hoàng tại khu vực Chợ Lớn. Sơn "đảo" hùng cứ khu vực quận Tân Bình với việc bảo kê, quản lý các sòng bạc...
Xã hội miền Nam khi ấy với bộ máy quan chức được mua bán bằng tiền, đã dung túng cho đám giang hồ, du đãng, làm ngơ cho chúng phân chia lãnh địa để làm mưa làm gió khiến đời sống người dân luôn trong tình trạng bất an.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.