Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ sự cố mất điện...

Nguyễn Triều| 04/06/2010 06:07

(HNM) - Tối 1-6, từ khoảng 18h30 đến 19h15, Hà Nội mất điện trên diện rộng ở khu vực quận Hoàn Kiếm và toàn bộ khu vực phía Nam. Nguyên nhân là do sự cố nhảy 2 mạch đường dây 220KV Thường Tín - Mai Động do Công ty Truyền tải điện 1, thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia phụ trách.

Dù đã được khắc phục mau chóng, nhưng sự cố này cho thấy những người có trách nhiệm bảo đảm an toàn lưới điện cho Thủ đô vẫn còn nhiều chủ quan mặc dù đang ráo riết chuẩn bị cho Đại lễ với rất nhiều lời hứa và nhiều phương án để Hà Nội không mất điện.

Khi điện mất và biết được là do sự cố nghiêm trọng, chúng tôi lên xe chạy vòng những khu vực chìm ngập trong bóng đêm. Giao thông Hà Nội bình thường đã tùy tiện, nay thực sự hỗn loạn. Một số ngã tư trên đường Bà Triệu, Bạch Mai tắc nghẽn vì không ai nhường ai; không ai còn biết phải đi thế nào cho đúng; xe buýt kềnh càng bịt kín mọi lối đi. Không chỉ xe máy, cả ô tô con cũng lao lên vỉa hè, cướp đường mà chạy. Không một ai, không một hành động phạm luật nào bị ngăn chặn vì không thấy bóng CSGT...

Rõ ràng là cơ quan có trách nhiệm đã không tính đến khả năng xảy ra sự cố như vậy, do đó không có phương án hành động xử lý những vấn đề phát sinh. Hoặc giả sử có thì cũng chỉ trên giấy tờ nên khi nó xảy ra đã không kịp thời đối phó.

May, điện chỉ mất hơn nửa tiếng, nhưng nếu cả tiếng hoặc lâu hơn thì sao? Mọi người yên tâm với bảo đảm của Điện lực thành phố là sẽ không mất điện trong mọi trường hợp nên đã không tính đến khả năng xấu như vậy? Nhưng Điện lực đâu có loại trừ sự cố?

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là một việc nhưng nhiều công dân Thủ đô cũng rất thiếu ý thức cộng đồng. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, thay vì hợp tác, giúp đỡ nhau cùng vượt qua thì ai cũng chỉ cố lo cho mình, bất chấp người bên cạnh có thiệt hại do hành động của mình hay không. Những hiện tượng đáng buồn như thế có thể hiện được bản tính hiếu khách, sẵn sàng nhường nhịn của người Việt?...

Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là thái độ thờ ơ của nhiều nhân viên cơ quan hữu trách đối với những hành vi vi phạm trong những trường hợp khẩn cấp như bão, lụt, mất điện... Những lúc đó ai muốn sao cứ làm vậy - có thể phóng ngược đường, có thể vượt đèn đỏ bất chấp có cảnh sát hay không. Và không một hành vi vi phạm nào bị nhắc nhở, không một ai bị xử lý. Ai cũng coi chuyện vi phạm trong những trường hợp đó là tự nhiên, là "tự cứu mình" và vì thế nên không bị lên án, không phải chịu trách nhiệm.

Sự cố mất điện và những hệ lụy đêm vừa rồi ở Hà Nội là đầu tiên trong năm nay nhưng liệu có phải là cuối cùng? Không ai dám chắc nên phương án dự phòng xử lý các tình huống phát sinh là không thể thiếu.

Theo ngành điện, tổng công suất lưới điện của cả nước nhiều hơn mức tiêu thụ khoảng 3.000MW. Như vậy, về lý thuyết chúng ta thừa điện dùng. Trong thực tế từ tháng 3 miền Trung đã thường xuyên bị cắt điện. Từ tháng 5, nhất là những ngày cuối tháng, TP Hồ Chí Minh bị cắt điện ở nhiều nơi, kể cả bệnh viện, thậm chí cắt điện khẩn cấp vì thiếu điện, mạng quá tải. Nguyên nhân được cho là 1/3 lượng điện của Việt Nam do các nhà máy thủy điện cung cấp nhưng mưa ít, hồ chứa thiếu nước và do vậy thiếu điện là tất nhiên. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân chủ quan (ví dụ: quản lý, điều hành yếu kém…) thì ít được nói tới. Người ta chỉ đổ lỗi cho trời không mưa - việc đổ lỗi dễ nhất. Mà trời thì ở quá xa không đến để cãi lại được.

Sự cố là khó tránh khỏi. Mà đã sự cố thì phải có phương án khẩn trương ứng cứu khi nó xảy ra, kể cả những tình huống xấu nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ sự cố mất điện...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.