Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho ''công xưởng'' phía Nam

Trọng Ngôn| 21/09/2022 07:06

(HNM) - Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. “Công xưởng” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi đón các nhà đầu tư lớn. Các tỉnh, thành phố trong vùng cũng đang xây dựng chiến lược thu hút đầu tư phù hợp đặc thù của mỗi địa phương.

Khu công nghiệp VSIP II (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) thu hút nhiều doanh nghiệp.

Sẵn sàng tâm thế thu hút đầu tư

Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những biến động phức tạp của an ninh thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu có sự chuyển dịch mạnh. Việt Nam được xem là lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó trung tâm sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những điểm sáng. Gần đây, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như Tập đoàn Lego (Đan Mạch), Tập đoàn Trường Hải đã có những chiến lược mở rộng, đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Phước Tống cho biết, từ năm 2016, công ty đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực cơ khí nên quyết định đầu tư thêm nhà máy ở Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Còn tại tỉnh Bình Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lego Việt Nam Preben Elnef cho biết, là một nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua, Tập đoàn Lego đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá rất nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam, từ Bắc vào Nam, để từ đó lựa chọn Khu công nghiệp VSIP III tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương làm địa điểm thực hiện dự án đầu tư trị giá gần 1 tỷ USD.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Lai Xuân Đạt cho biết, Bình Dương hiện có hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và trên 58.000 doanh nghiệp trong nước, đã tạo nên bức tranh tươi sáng của công nghiệp tỉnh. Vị trí địa lý thuận lợi, quyết tâm chính trị và tiếp nối chính sách xuyên suốt qua các thời kỳ, cùng với sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là thế mạnh của tỉnh Bình Dương trong công tác thu hút đầu tư và sẵn sàng đón sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn nhiều thách thức

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc dù Việt Nam là một trong những lựa chọn tốt nhất, nhưng vẫn còn những thách thức lớn cần vượt qua. Đó là lực lượng lao động (nguồn cung lực lượng lao động có trình độ ổn định chưa rõ ràng), công nghiệp hỗ trợ (nhiều linh kiện còn dựa vào nhập khẩu), logistics (chi phí còn cao).

Ông Phil Kyun Choi, chuyên gia tư vấn đầu tư người Hàn Quốc cho rằng, phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp lý tưởng để giải quyết 3 thách thức trên. Sự tập trung theo địa lý của các công ty, nhà cung cấp và sự kết nối với nhau trong một lĩnh vực cụ thể sẽ giúp tăng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất của các công ty trong cụm, thúc đẩy đổi mới và kích thích các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực cụ thể. Cụm công nghiệp cần tập trung vào 4 trụ cột, gồm: Chính quyền cấp tỉnh; doanh nghiệp, nhà đầu tư; trường đại học, viện nghiên cứu; hệ thống sinh thái khởi nghiệp tích hợp.

Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có dự án với vốn đầu tư rất lớn. “Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp cải tiến công nghệ... Thành phố cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Lai Xuân Đạt cho biết, tỉnh đã xác định 5 lớp hệ sinh thái trong phát triển kinh tế, bao gồm: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh và các bộ, ngành trung ương để tham mưu cho tỉnh trong hoạch định các chính sách, cách làm nhằm đưa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài xích lại gần nhau, cùng nhau bắt tay xây dựng chuỗi cung ứng”, ông Lai Xuân Đạt nhấn mạnh.

Tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xây dựng chiến lược thu hút các dự án sản xuất công nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cao, ít thâm dụng lao động, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như góp phần quan trọng trong tham gia chuỗi cung ứng. Có như vậy, cơ hội phát triển mạnh mẽ sẽ được mở ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho ''công xưởng'' phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.