(HNM) - V.I Lenin đã đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình để xây dựng một Đảng kiểu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta cũng luôn luôn nhấn mạnh nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Với các tác phẩm, bài viết và đặc biệt là Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề tự phê bình và phê bình một cách toàn diện, sâu sắc, từ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, đến cách thức, phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn, hiệu quả.
Cần đẩy mạnh tinh thần phê bình và tự phê bình tại các cuộc họp chi bộ. |
Lý luận...
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện như cơm ăn, nước uống hằng ngày của mỗi con người. Theo Người, đó chính là nguyên tắc để bảo đảm quy luật phát triển của Đảng - sự phát triển bao hàm trong đó sự tự chỉnh đốn và đổi mới. Trong “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, tự phê bình và phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Cũng tại tác phẩm này, trong 12 điều về “Tư cách của một đảng chân chính, cách mạng” thì có tới 5 điều Bác căn dặn liên quan đến tự phê bình và phê bình.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa đạo đức - văn hóa Đảng. Chỉ có tuân thủ theo nguyên tắc này, Đảng mới luôn luôn giữ được sự trong sạch, mới hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách của một đảng cách mạng, một đảng chân chính. Qua những gì Người căn dặn, có thể thấy, mục đích của tự phê bình và phê bình là hết sức trong sáng và đó chính là một trong những nội dung cơ bản của đạo đức, nhân văn. Cụ thể, tự phê bình là thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mà mình đã phạm. Phê bình là thấy ai có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa. Vì vậy, chỉ có Đảng chân chính, Đảng cách mạng mới có thể mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại.
Tự phê bình và phê bình ngoài động cơ, mục đích trong sáng còn cần phải có thái độ đúng, phương pháp đúng, thậm chí còn phải chú ý cả hoàn cảnh cụ thể của người được phê bình. Việc phê bình dù có chân thật, nhưng thiếu thái độ và phương pháp đúng có thể dẫn đến chủ thể được phê bình không nhận thức được điều đó hoặc nhận thức ngược lại, nhận thức khác đi dẫn đến hiệu quả không đạt được như mong muốn. Ấy là chưa kể, việc lợi dụng nguyên tắc này để thực hiện những mưu đồ vụ lợi cho cá nhân, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, hạ thấp uy tín của người khác... Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, được coi là “kẻ địch bên trong” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mỗi kẻ địch bên trong là người bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những thứ bệnh đó. Đặc biệt, trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết câu“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào sau câu “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Điều đó có nghĩa, chỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau mới có thể nhìn nhận trong sáng và chỉ rõ cho nhau khuyết điểm một cách chân tình và thẳng thắn.
... và thực tiễn cuộc sống
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản, là vũ khí sắc bén, là động lực, là quy luật của sự tồn tại và phát triển của Đảng. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn cụ thể, hiệu quả của việc thực hiện nguyên tắc này còn có những hạn chế nhất định. Trước hết, có một thời gian dài, việc tự phê bình và phê bình như lời dạy của Bác được thực hiện theo “thứ tự”, phê bình trước, tự phê bình sau. Đúng là nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, những mặt tích cực và hạn chế của người khác bao giờ cũng dễ, song phần nhìn nhận về bản thân lại rất qua loa, chiếu lệ. Có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc. Chính vì việc thực hiện theo “thứ tự ngược” hoặc thiếu dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình không đúng với tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện nặng tính hình thức, làm qua loa, lấy lệ, “dĩ hòa vi quý”..., mà “kẻ địch bên trong” như Bác đã chỉ ra, vốn luôn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên có đất dung dưỡng, chờ cơ hội bùng phát. Điều đó đã tạo nên những tác động nhất định, ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, thậm chí là tiền đề cho những biểu hiện suy thoái về đạo đức, thoái hóa, biến chất...
Về những nguy cơ nêu trên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Thực tế đó “đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Đây cũng chính là lý do mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đặt việc tự phê bình và phê bình lên vị trí hàng đầu. Trong triển khai, thực hiện nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tự phê bình và phê bình chính là khâu mấu chốt, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong 4 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân”.
Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 cũng có khá nhiều điểm mới, tuân thủ và bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; kiên quyết nhưng không nóng vội, cực đoan; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức; tăng cường công khai, minh bạch, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và nhân dân...
Qua một thời gian thực hiện, có thể thấy Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là nghị quyết của ý Đảng, lòng dân. Dù rằng kết quả của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình mới chỉ là bước đầu; những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của cán bộ, đảng viên được nhìn nhận thông qua việc tự phê bình và phê bình vẫn chưa đầy đủ và còn “nhẹ cân” hơn rất nhiều so với những ưu điểm, thành tích; việc mở rộng, phát huy dân chủ, sự tham gia giám sát của các tổ chức đoàn thể và người dân còn hạn chế; bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa lộ diện... Tuy nhiên, đây chính là những viên gạch đặt nền móng nhằm xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng cũng như đội ngũ cán bộ đảng viên. Đó cũng chính là hành động thiết thực trong học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.