Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ ngọn tới... gốc

Thắng Ngọc| 26/05/2011 07:14

(HNM) - Sau gần hai năm thực hiện Cuộc vận động


Có thể nói, cuộc vận động đã như một "cú hích" để các ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cho các DN quay về thị trường nội địa. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự lên ngôi thì cần phải có chiến lược dài hơi.

Trong con mắt của các DN nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ, nhiều tiềm năng khai thác. Các DN trong nước cũng hoàn toàn biết điều đó, nhưng để chiếm lĩnh và tận dụng lợi thế "sân nhà" thì lại rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhìn nhận: Hầu hết năng lực của các DN nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên dụng... Không chỉ có vậy, một số DN nội địa còn hạn hẹp về tầm nhìn và nhận thức, chỉ thấy lợi ích trước mắt, đã tranh thủ "sân chơi" này để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng tồn kho, hàng quá đát... làm ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.

Mặt khác, chúng ta mới chỉ tập trung phân tích chủ thể của cuộc vận động là người tiêu dùng với nhiều bất cập tồn tại, điển hình là thói quen sính hàng ngoại. Trong khi đó một chủ thể khác của cuộc vận động cũng vô cùng quan trọng là các DN nội địa thì chưa được "mổ xẻ", đánh giá thấu đáo để xem họ đang đứng ở đâu và cần làm gì để đưa họ lên "bệ phóng", tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vậy nên sự nghiên cứu, đầu tư cho trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, đổi mới bộ máy quản lý, giảm các chi phí trung gian... nhằm tạo ra những sản phẩm thiết yếu trong đời sống sinh hoạt, mới về mẫu mã, đạt yêu cầu về chất lượng... chưa được coi trọng đúng mức. Sự tham gia của nhiều DN vào cuộc vận động vẫn theo kiểu hình thức "đánh trống ghi tên", thậm chí chờ hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi đặc biệt như vay vốn, trợ giá... Mối liên kết giữa các DN, hiệp hội, ngành hàng trong chuỗi quy trình tiếp cận nhu cầu thị trường - sản xuất - phân phối - tiêu thụ cũng hết sức lỏng lẻo, thiếu bài bản, chiến lược.

Tóm lại, tuy khẳng định những hiệu quả bước đầu của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhưng với những kết quả thu được trong thời điểm hiện tại thì đó mới chỉ là "phần ngọn", nếu những bất cập nêu trên chưa được giải quyết thì điều đó đồng nghĩa với việc chưa xây dựng được nền móng vững chắc cho "cái gốc" của vấn đề. Khi đó người tiêu dùng Việt Nam và các DN nội địa sẽ đi trên hai đường thẳng song song dù hai phía đều có lòng yêu nước và thừa... thiện chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ ngọn tới... gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.