(HNM) - Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngày 14-5 cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi xác định.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 4.462 trường hợp mắc sởi xác định trong số 19.739 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố; hiện cả nước đã ghi nhận 140 trường hợp tử vong liên quan sởi. Trong ngày, có 10 tỉnh, thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới. Tính đến ngày 14-5, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 94,2%.
Tiêm phòng sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Từ hôm nay 15-5, 10 tỉnh, thành phố trọng điểm gồm: Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Dương và Quảng Ninh chuẩn bị tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại xã, phường có nguy cơ cao.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã cảnh báo về một loại virus thuộc nhóm coronavirus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp MERS-CoV ở Trung Đông và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, ngày 14-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo, nguồn lây nhiễm virus này cho con người được xác định là từ lạc đà. Các động vật khác như dê, bò, cừu, trâu, lợn, các loài gia cầm đã được kiểm tra kháng thể đối với MERS-CoV nhưng không phát hiện thấy có kháng nguyên của virus này. Do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm lạc đà sống hoặc nấu chưa chín (như sữa và thịt) sẽ ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm cao với một loạt các sinh vật có thể gây bệnh cho con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.