(HNMO) - Chiều 16-5, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố Hà Nội.
Cuộc họp đã nghe báo cáo về kết quả triển khai ứng dụng CNTT; xây dựng thành phố thông minh; kế hoạch triển khai hệ thống thông tin quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận tại cuộc họp. |
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Phan Lan Tú cho biết, để triển khai số hoá dữ liệu, tại quận Long Biên - đơn vị được triển khai thí điểm, toàn bộ dữ liệu sổ hộ tịch năm 2015 đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống eSAMS của Thành phố với tổng số 64 quyển sổ khai sinh và đăng ký kết hôn, gồm 8.355 trường hợp với 282.113 trường dữ liệu. Kết quả số hóa đã giúp đơn vị khai thác hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác lưu trữ, khai thác dịch vụ công,... Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai, Sở TT-TT đề xuất Thành phố có kế hoạch triển khai cụ thể và đồng bộ trong các lĩnh vực trên diện rộng năm 2017.
Về các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, 4 đến 168 phường, 12 quận và 10 sở. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành triển khai và vận hành chính thức 2/3 đợt với 46/96 DVC (đạt 48%), đang vận hành thử nghiệm đợt 3 với 32/96 DVC (đạt 33%). Hiện đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm của 3/96 DVC, trong đó 1 DVC lĩnh vực tài nguyên - môi trường cấp huyện và 2 DVC của Sở Tài nguyên và Môi trường...
Tính đến hết tháng 4-2017, hệ thống DVC trực tuyến đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng là 82.580 hồ sơ/91.798 hồ sơ (đạt trên 90%).
Cũng theo Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú, việc xây dựng các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông... được triển khai tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục: Đã xây dựng phần mềm học bạ điện tử cho 1,7 triệu học sinh; đã cấp hơn 70.000 tài khoản cho người sử dụng và có trên 18.000.000 lượt truy cập hệ thống. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai phần mềm Sổ điểm điện tử cho khối THPT và THCS phiên bản dành cho giáo viên trên điện thoại thông minh (eSchool) trong tháng 5-2017. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2017 - 2018.
Về giao thông thông minh, Thành phố đã thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán vé trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ (sức chứa 248 xe)... Thành phố đã giao Công ty Cổ phần FPT nghiên cứu, đề xuất nội dung thực hiện xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn.
Về hệ thống quan trắc môi trường tự động: Đã hoàn thành xây dựng, đưa lên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập.
Sở TT-TT đã phối hợp với Thanh tra Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố để rà soát, triển khai hệ thống thông tin quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo trên toàn Thành phố. Hiện nay, Thanh tra Thành phố hoàn thành thí điểm tại 5 đơn vị, chuẩn bị trình UBND Thành phố để triển khai mở rộng tới các cơ quan, đơn vị trong năm 2017.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nghiên cứu để triển khai việc chỉ tiếp nhận hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng từ ngày 1-7-2017. Theo đó, Sở KH-ĐT thông báo kế hoạch chỉ tiếp nhận hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng (không tiếp nhận hồ sơ bằng giấy) trên các cơ quan báo chí như Báo Hànộimới và Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội để người dân nắm rõ điều này, thay vì phải đến trung tâm hỗ trợ thành lập như hiện nay và có thể tiết kiệm 200.000 đồng/bộ hồ sơ, cũng như tránh các phiền hà nếu có...
Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiên cứu chuẩn bị triển khai việc cung cấp DVC theo giờ qua mạng cho người dân. Các cấp phường, quận có thể công bố DVC đăng ký theo giờ để Sở TT-TT công khai trên Cổng Giao tiếp điện tử của Thành phố, từ đó người dân có thể đăng ký giờ đến làm thủ tục (được cho phép nhanh, chậm 5-10 phút) để không phải ngồi chờ như hiện nay.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các đơn vị về việc thu giá DVC. Cụ thể, Hà Nội sẽ cung cấp để tra cứu thông tin công chứng, chứng minh thư nhân dân, tra cứu thông tin sim thẻ viễn thông. Sở Tài chính phối hợp tham mưu để thành phố báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép mức giá thu các DVC này.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị thống kê số lượng bãi đỗ xe trên toàn địa bàn (kể cả tầng hầm) để triển khai dịch vụ bãi đỗ xe thông minh rộng rãi, sau khi thí điểm tại 2 tuyến phố hiện nay. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành thành phố rà soát thống kê các thủ tục hành chính tại đơn vị mình để cung cấp dịch vụ qua mạng cho người dân theo hướng ưu tiên dịch vụ gần với người dân, doanh nghiệp...
Cũng tại cuộc họp chiều 16-5, các thành viên Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố Hà Nội đã nghe Tập đoàn Viettel báo cáo về Trung tâm giám sát điều hành tập trung; Tập đoàn FPT báo cáo về giao thông thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.