(HNM) - Ngày 22-1, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 17 kể từ giữa năm 2014. Đây là mặt hàng đầu vào, có ý nghĩa quan trọng trong cấu thành giá hầu hết mọi sản phẩm, dịch vụ.
Không thể để sự bất thường tiếp tục diễn ra
Tôi làm kế toán nên cũng hiểu giá xăng dầu có tác động quan trọng thế nào tới thị trường, bao gồm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Thời gian gần đây, dư luận cũng như các phương tiện thông tin đại chúng mới chỉ "nhắm" vào việc doanh nghiệp vận tải hoặc chây ì giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt, tuy nhiên cần thấy rằng chi phí xăng dầu chiếm phần quan trọng cấu thành giá rất nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, vật liệu xây dựng... Theo nguyên tắc, giá xăng dầu giảm, tất yếu giá cước vận tải phải giảm; từ đó, nhiều mặt hàng như đồ ăn thức uống, đồ dân dụng phải giảm theo... Giá các mặt hàng khác, ngay cả thực phẩm, rau xanh... không giảm là sự bất thường. Ở đây, có trách nhiệm quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi lẽ, mục đích hoạt động của mọi doanh nghiệp, tiểu thương là lợi nhuận, không thể trông chờ sự tự giác từ phía họ. Khi mặt bằng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ "án binh bất động" thì cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, không thể để tái diễn việc giá xăng dầu lao dốc mà giá nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ đứng yên hiện nay.
Bà Vũ Ngọc Anh (ngõ 183, Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân)
Có hay không những cái "bắt tay"?
Giá xăng dầu đã giảm đến lần thứ 17, tức xấp xỉ 40%, nhưng cước vận tải gần như không giảm cho thấy rất nhiều vấn đề, đồng thời phản ánh một thực tế rằng: Cơ chế phối hợp quản lý giữa các bộ liên quan chưa thích ứng với diễn biến thị trường. Nhiều người đặt câu hỏi: Có hay không sự thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp vận tải? Câu hỏi này hoàn toàn có cơ sở. Thực tế cho thấy, cung - cầu định đoạt một phần giá cả hàng hóa, dịch vụ tuy nhiên tình trạng "độc quyền" qua những cái "bắt tay" thỏa thuận nhằm thao túng thị trường đã từng diễn ra không chỉ với xăng dầu. Các cơ quan chức năng cần làm rõ việc doanh nghiệp có bắt tay nhau để "làm giá" hay không? Nếu có, rõ ràng doanh nghiệp đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Sự tù mù xung quanh vấn đề giảm giá hàng hóa dịch vụ "ăn theo" xăng dầu khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn.
Bà Hà Ngọc (Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội)
Cần có biện pháp quyết liệt hơn
Tôi thấy thời gian vừa qua giá xăng đã giảm mạnh theo đà giảm của giá dầu thô thế giới. Vậy mà, không chỉ cước vận tải, mà giá các mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn "bình chân như vại". Ví dụ, cách đây chừng 15-17 năm, giá một bát phở ngon ở Hà Nội chỉ tương đương giá một lít xăng. Vậy mà, hiện nay, một bát phở "ăn được" ở thành phố thường cao gần gấp hai lần giá một lít xăng, bát phở "khủng" thậm chí gấp 3-4 lần. Nhiều loại mặt hàng khác cũng cao với lý do cước vận chuyển cao do giá xăng, nhưng sau bao lần xăng giảm giá vẫn "bình chân như vại". Chỉ thương người dân vùng sâu, vùng xa (dù đã được hưởng các chế độ trợ giá, ưu đãi) vì giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để đưa giá các loại hàng hóa về đúng giá trị, thay vì giữ nguyên mức giá cao ngất khi xăng "đạt đỉnh" mà không chịu giảm khi giá xăng "chạm đáy".
Ông Nguyễn Chí Lợi (cư dân Times City, Hà Nội)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.