Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào và trách nhiệm!

Nữ Quỳnh| 11/10/2014 06:24

(HNM) - Hôm qua, người dân Hà Nội hân hoan đón chào một sự kiện đáng nhớ ghi dấu mốc kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Và trong buổi lễ trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, đã có những công dân của Thủ đô được vinh dự đón nhận danh hiệu


Họ là đại diện của hàng triệu công dân đã có những cống hiến, những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Thủ đô. Dù còn trẻ hay đã già, họ luôn đau đáu một khát khao được cống hiến, được góp công sức không chỉ cho riêng mảnh đất nơi họ sinh sống mà còn cho cả sự phát triển của Thủ đô, đất nước. Trong số ấy có nhiều doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho đời sống kinh tế xã hội; có những bác sĩ luôn tận tâm vì người bệnh; những nghệ nhân cả đời tìm tòi, duy trì văn hóa truyền thống; có những cán bộ đã về hưu nhưng vẫn miệt mài với việc của xã hội; những nhà giáo luôn nỗ lực góp sức cho sự phát triển của giáo dục; nhưng cũng có công nhân chỉ có thể đóng góp bằng những giọt mồ hôi, những giờ lái xe an toàn nhất; có bà giáo ở tuổi "cổ lai hy" vẫn cố đem những tri thức của mình dâng cho đời… Tất cả đều mong muốn được góp sức cùng xây dựng Thủ đô Hà Nội đẹp, văn minh và hiện đại hơn.

Nói như vậy để thấy, trách nhiệm của mỗi con người đang sinh sống, đang hít thở cùng một bầu không khí của Thủ đô. Trách nhiệm ấy có thể chẳng đòi hỏi sự lớn lao to tát mà chỉ cần mỗi người một chút, một chút thôi để gom góp lại từ hàng triệu người thì cũng là quá đủ. Thật vui khi Hà Nội được đánh giá có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước, là thành phố duy nhất ở Châu Á được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình". Chẳng phải vô cớ mà Hà Nội được bạn bè thế giới tôn vinh là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Mỗi công dân Thủ đô có quyền tự hào về một thành phố đang ngày càng đổi thay, ngày càng phát triển, có quyền được thụ hưởng cuộc sống tốt hơn từ những thành quả ấy mang lại. Nhưng mỗi công dân Thủ đô cũng có đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm để duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.

Trong thực tế cuộc sống đâu đó vẫn còn những cái xấu tồn tại, đâu đó vẫn còn môi trường dung dưỡng những tư tưởng lệch lạc trong lối sống, văn hóa làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô. Có không ít người đang sống tại Hà Nội nhưng chưa hiểu rõ, chưa thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh nghĩa "người Hà Nội". Thật xấu hổ khi không ít người còn thiếu ý thức ngay từ những việc nhỏ như vứt rác bừa bãi, viết vẽ bậy ở nơi công cộng, thậm chí cả những di tích lịch sử. Thật buồn khi ra đường vẫn bắt gặp những hành xử thiếu văn hóa, nhiều người ngang nhiên vi phạm những quy tắc ứng xử, đó là thói vô lối khi tham gia giao thông, là sự nhố nhăng nơi đình chùa thanh tịnh, là sự ích kỷ, vô cảm trong cuộc sống đời thường…

Tôi rất ấn tượng khi mới đây đọc trong một cuốn sách mới phát hành của nhà báo Hồ Quang Lợi, ông quan niệm mọi công dân Thủ đô, ngoài cái gọi là hộ khẩu, ngoài tấm chứng minh nhân dân còn cần có "căn cước văn hóa". Căn cước ấy là hình ảnh thanh lịch, hào hoa, tinh tế, nhân ái thể hiện qua từng hành vi, cử chỉ. Người Hà Nội đích thực phải sống với tinh thần Hà Nội, biết làm giàu tâm hồn mình và góp phần làm đẹp Thủ đô. Tất cả đều phải thấy mình cần có trách nhiệm cùng "bồi đắp tâm hồn, cốt cách" để góp phần nâng cánh cho Thủ đô phát triển.

Quả thật vậy! 60 năm qua Hà Nội đã ngày càng phát triển. Mặc dù vẫn còn những điều chưa thật như mong muốn, vẫn còn những giá trị bị khuất lấp nhưng chắc chắn cái nền tảng, cốt cách Tràng An sẽ vẫn trường tồn. Có điều, để cho những giá trị ấy có thể phát huy tốt nhất giá trị nhân văn, nhân bản thì mỗi con người Hà Nội, mỗi công dân Thủ đô phải nhận thức rõ ràng rằng trong đó có một phần trách nhiệm của chính mình!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự hào và trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.