(HNM) - Trong 12 ngày đêm Chiến dịch
Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi xin khắc họa lại phần nào cuộc chiến đấu âm thầm dưới những căn hầm dã chiến để đem lại sự sống cho biết bao nạn nhân bị bom B-52 qua lời kể của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hanh Đệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Việt - Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngoại, Bệnh viện Hữu nghị.
Các bác sĩ bàn cách cứu nạn nhân tại một hầm bị bom B-52 đánh sập. Ảnh tư liệu
Từ chập tối 18-12-1972, những đợt bom B-52 cùng những tiếng gầm rít của máy bay phản lực, khác hẳn những lần oanh tạc trước đây của giặc Mỹ. Khoảng 4h sáng, ô tô của Bệnh viện Việt - Đức đến đón tôi. Anh lái xe cho biết: "Máy bay B-52 vừa ném bom ở Gia Lâm, Đông Anh và một số nơi trong nội thành. Người bị thương nhiều lắm".
Vừa vào tới viện, tôi đến ngay phòng mổ.
Sau đợt B-52 oanh tạc lần thứ nhất, chúng tôi đã phải triển khai đến 6 bàn cùng mổ. Đến đợt B-52 oanh tạc lần thứ hai (ngày 20-12), anh chị em chúng tôi phải chuyển các bàn mổ xuống hầm sâu. Người bị thương ngày một nhiều, mỗi đêm có đến 100 người. Nhiều khi mất điện, chúng tôi phải dùng ánh sáng đèn bão để mổ. Thời gian này có đến 13 bàn cùng mổ một lúc.
Trường Đại học Y khoa (sau này đổi tên là Đại học Y Hà Nội) biệt phái 19 bác sĩ, giáo viên, trong đó có các anh Dương Đức Bính, Nguyễn Đình Hối, Tôn Thất Bách... đến thực tập ở viện. Cùng anh chị em trong viện, chúng tôi thực hiện các ca mổ suốt từ 8h tối cho đến sáng hôm sau.
Xin nói thêm một chuyện về Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức. Từ 1970, ông đã có nhiều thành công trong những công trình lớn ở Đức, Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Thuỵ Điển... nên đến đầu 1972, ông được Pháp tặng danh hiệu Ủy viên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, được mời làm ủy viên Viện Phẫu thuật Lyon (Pháp). Giáo sư vừa ở Pháp về thì B-52 đánh Hải Phòng. Một số anh em Bệnh viện Việt - Đức và Trường Đại học Y khoa, trong đó có tôi, anh Nguyễn Đình Hối, Dương Đức Bính, Phạm Hoàng Phiệt đến gặp giáo sư, nói chuyện chân tình: "Thưa thầy, giặc Mỹ đã dùng B-52 đánh Hải Phòng. Chúng em nghĩ trước sau rồi chúng cũng sẽ đánh Hà Nội. Chúng em biết cấp trên có chủ trương bảo vệ, đưa thầy đi làm việc ở nơi sơ tán nên muốn thay mặt anh em mời thầy ra khu sơ tán làm việc". Nghe chuyện, thầy nghiêm sắc mặt nói: "Các anh bảo tôi đi sơ tán à? Nhiệm vụ của tôi là ở Hà Nội. Với tôi, đi sơ tán lúc này có nghĩa là đào ngũ...".
Trong những ngày "Điện Biên Phủ trên không" tại Hà Nội, nhắc lại chuyện chúng tôi đề nghị Giáo sư Tôn Thất Tùng đi sơ tán. Thầy vui vẻ hỏi: "Các anh, chị có biết chị bác sĩ Máctơ Saphơ người Pháp đang công tác ở bệnh viện B?". Một chị trả lời: "Thưa có ạ. Chị Máctơ có tên Việt là chị Mạc, lấy chồng người Việt Nam". Thầy Tùng nói tiếp: "Các anh chị trong Viện B thường gọi chị là "Bà Đầm rau muống" vì mỗi lần đi làm về, chị thường buộc sau xe đạp mấy mớ rau muống. Thực ra chị còn nghèo. Chắc các anh chị biết chị Máctơ đã học Y 11 năm ở Paris gồm 7 năm đại học và 4 năm nội trú sau đó. Một bác sĩ giỏi như chị ở Pháp có thể đã dễ dàng trở thành tỷ phú nhưng chị lại chịu sống nghèo với chồng con ở Việt Nam. Từ 19-12-1972, người ta vẫn thấy chị đạp xe đạp thường xuyên trong mưa bom bão đạn đến bệnh viện làm việc. Các anh chị thấy đấy, suốt thời gian B-52 Mỹ đánh phá Hà Nội, một bác sĩ nước ngoài như chị Máctơ trụ bám, phục vụ chiến đấu ở Hà Nội thì làm sao mà một người như tôi lại có thể sơ tán khỏi Hà Nội".
Suốt 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, ở Hà Nội tháng 12 năm 1972 tại Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi mới thấy rõ vị trí và vai trò của thầy Tôn Thất Tùng.
Thầy có mặt ở mọi nơi trong những thời gian cần thiết nhất tại bệnh viện. Không những thầy chỉ đạo mà còn trực tiếp tham gia và kịp thời động viên anh chị em làm việc. Ngoài ra, thầy còn viết báo. Trên Báo Nhân Dân số 6828 ra ngày 3-1-1973, tổng kết 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội, thầy viết: "Hãng Thông tấn Pháp AFP nói với tôi: Các ông nên vẽ chữ thập đỏ lên nóc bệnh viện. Tôi đã trả lời: Như thế thì chỉ để cho giặc Mỹ ném bom vào chúng tôi như chúng đã ném bom hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai...".
Giáo sư Đặng Hanh Đệ đưa tôi đến nhà mổ của Bệnh viện Việt - Đức. Ông nói: Phía dưới nhà mổ này là căn hầm chúng tôi đã tiến hành hàng trăm ca phẫu thuật liên tục trong thời gian chiến đấu chống máy bay B-52 Mỹ tháng 12-1972 của quân dân Thủ đô. Cuối năm 1992, Giáo sư y học Hoa Kỳ thuộc Trường Đại học Matsachusét là ông Tôma Pêzenla đến thăm bệnh viện, chúng tôi có đưa ông ấy đến đây. Ông đã hỏi tôi rất kỹ về những chuyện phẫu thuật của chúng tôi trong những ngày chiến đấu ác liệt chống cuộc ném bom hủy diệt do máy bay B-52 giặc Mỹ gây ra rồi ngạc nhiên bày tỏ: "Phòng mổ của các ông sơ sài quá, chỉ thấy có máy gây mê là tạm được, còn thì rất thiếu thốn. Thế mà các ông vẫn mổ được". Tôi giải thích: "Vì nếu không mổ thì bệnh nhân sẽ chết. Trong 12 ngày đêm máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, chúng tôi ở suốt trong hầm mổ này và đã cứu sống được rất nhiều người bị thương vì bom Mỹ được chuyển đến đây".
Ông Tôma chân thành bày tỏ lòng khâm phục đối với Bệnh viện Việt - Đức, từ cố Viện trưởng Tôn Thất Tùng đến toàn thể bác sĩ, nhân viên trong viện.
Bà Vi Nguyệt Hồ, phu nhân cố Gíáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng, cho biết, thời kỳ tháng 12-1972, bà là nhân viên phụ mổ của bệnh viện. Có ngày, bệnh viện chuẩn bị đến 30 lít máu nên đã cứu sống được đa số bệnh nhân bị các vết thương hiểm nghèo, bị choáng trong đêm lạnh trên đường đưa tới bệnh viện. Không chỉ các bác sĩ, y tá mà cả chị em dược tá cũng làm việc liên tục ngày đêm để lọc nước sát trùng, pha chế huyết thanh khi mỗi ngày đêm dùng đến hàng trăm lít. Chỉ có các phẫu thuật viên là nam giới, còn hầu hết bác sĩ, nhân viên khác của bệnh viện là nữ. Các chị Lê Thị Thái, Lê Thị Ngộ, Quỳnh Giao, Hà Kim Oanh, Tạ Ngọc Diệp... đã cho các con nhỏ đi sơ tán để có điều kiện làm việc liên tục ngày đêm ở bệnh viện trong các giờ cao điểm. Chị Duyên bị bom sập hầm ở Khâm Thiên, vừa được đưa ra khỏi hầm đã vào trực ngay trong đêm 26-12. Công nhân điện nước cũng vô cùng vất vả, khắc phục mọi khó khăn bảo đảm nhu cầu thiết yếu ngày đêm cho bệnh viện. Bà Vi Nguyệt Hồ giới thiệu với chúng tôi một số tư liệu quý của gia đình, trong đó có mấy dòng ghi của cố Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng: "Sau đợt phục vụ chiến đấu 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972 tại Hà Nội, Bệnh viện Việt - Đức đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất".
Gần 20 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, trước những thử thách mới, thế hệ thanh niên ngày ấy vẫn giữ vững truyền thống anh dũng của lớp lớp cha anh. Riêng về phần tôi, tôi rất sung sướng và tự hào khi thấy rằng, nhân dân ta, dân tộc ta không sợ bất cứ một thử thách, hy sinh nào để bảo vệ đất nước và Thủ đô. Và Thủ đô Hà Nội anh hùng thật xứng đáng với dân tộc Việt Nam anh hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.