Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào lịch sử, vững bước tương lai

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 01/10/2019 06:17

LTS: Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) là một mốc son rực rỡ, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội. Nhân kỷ niệm sự kiện lịch sử to lớn này, bắt đầu từ hôm nay, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Tự hào lịch sử, vững bước tương lai”, phản ánh những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đạt được trong 65 năm qua cũng như khát vọng, tầm nhìn, định hướng phát triển trong thời gian tới, để Hà Nội xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế...

Sau 65 năm giải phóng, Thủ đô Hà Nội đạt được những thành tựu to lớn, phát triển, văn minh và hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Vũ Long

Bài 1: Những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội sau 65 năm giải phóng

Cách đây 65 năm, ngày 10-10-1954, Hà Nội được giải phóng, mở ra trang sử mới của Thủ đô và cả nước. Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện.

Một là, những năm đầu sau ngày giải phóng, Hà Nội đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua những khó khăn, ổn định tình hình và khôi phục kinh tế, đạt được những kết quả bước đầu để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa về nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh.

Hai là, những năm tiếp theo, Hà Nội đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các ngành kinh tế, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, vừa sản xuất vừa chiến đấu, là nguồn cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước. Các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; “Ba sẵn sàng”; “Ba đảm đang” đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ và trở thành phong trào chung của nhân dân cả nước; tập hợp, thôi thúc hàng triệu thanh niên miền Bắc lên đường vào Nam đánh Mỹ như nhà thơ Tố Hữu viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 258 chiếc máy bay trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Đặc biệt, vào tháng 12-1972, Thủ đô Hà Nội đã lập nên kỳ tích lịch sử bằng chiến thắng vang dội “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan kế hoạch tập kết chiến lược bằng B52 của Mỹ hòng đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 25 pháo đài bay B52 và hàng chục loại máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với thắng lợi này, Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi chung, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút đội quân viễn chinh về nước.

Ba là, thắng lợi hoàn toàn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam ngày 30-4-1975 là cột mốc trọng đại trong tiến trình lịch sử của đất nước và Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, Hà Nội vinh dự được Quốc hội chọn là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiệm vụ: Hà Nội phải là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; Hà Nội phải tiêu biểu cho nền văn hóa mới của đất nước; người Hà Nội phải tiêu biểu cho con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Thủ đô Hà Nội phải hiện đại, văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với dân tộc, đất nước.

Thấu suốt nhiệm vụ xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; Hà Nội đã nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống cách mạng. Với tinh thần độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, Hà Nội đã đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới năng động và sáng tạo, với những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hà Nội đã bảo đảm điều kiện tiên quyết và cơ bản để phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội cho Thủ đô và cả nước. Đó là sự ổn định về chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự đô thị và an toàn xã hội; thực hiện các giải pháp tích cực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; có bước tiến mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị, xây dựng nếp sống văn minh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỷ luật, nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể…

Bốn là, thành tựu nổi bật trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là từ khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008) đến nay. Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của Thủ đô, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, các nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân để đưa Thủ đô ngày càng phát triển.

Theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Kinh tế của Thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Hà Nội đang tận dụng tối đa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 nhằm chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp… phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh - quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 1-8-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng hiện Hà Nội đóng góp tới trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Hà Nội có 6 huyện (Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất đã hoàn chỉnh hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Hà Nội đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung phát triển nền nông nghiệp đô thị đặc trưng, hiện đại, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao. 

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, nâng cao và đổi mới... Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước. 

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô được giữ vững trên tinh thần chủ động nắm bắt và có giải pháp ngăn chặn từ sớm, không để bị động, bất ngờ và không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại, gây rối, bạo loạn chính trị; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và hoạt động quốc tế, như lần đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2, được nhân dân trong nước và trên thế giới đánh giá cao... Thành phố cũng giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp về tôn giáo, tập trung đông người trái phép, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, vốn luôn xác định Thủ đô Hà Nội là địa bàn trọng điểm. Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, như: Kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm mới, tội phạm lợi dụng công nghệ cao và tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Hà Nội luôn chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại của đất nước; đi đầu trong các hoạt động đa phương, là một trong ba tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hợp tác thường xuyên, có hiệu quả với nhiều thủ đô, thành phố các nước láng giềng, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng trên thế giới và khu vực. Do vậy, Hà Nội luôn giữ được ấn tượng đặc biệt và có vị thế cao trong danh mục thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới về chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa, về thành tích và chiến công... 

Công tác cải cách hành chính của Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ rệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nâng cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng của chính quyền điện tử cơ bản được hình thành, thúc đẩy công tác cải cách hành chính ngày càng có hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ, phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã đạt được những kết quả nổi bật. Đảng bộ các cấp của Hà Nội cũng đang hưởng ứng và tích cực triển khai Quy định 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố và trước hết để giúp đại hội Đảng các cấp của thành phố thành công tốt đẹp.

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến và những thành tựu nổi bật sau 65 năm giải phóng, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng bộ thành phố, Hà Nội sẽ sớm hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra để đưa Thủ đô ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự hào lịch sử, vững bước tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.