Chính trị

Tự hào góp sức làm nên chiến thắng, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc

Hiền Phương ghi 07/01/2024 08:08

45 năm sau Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2024), công lao và sự hy sinh to lớn của lực lượng quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam mãi được khắc ghi. Những chiến sĩ từng là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam năm ấy giờ đã là cựu chiến binh và khi được gợi nhắc về sự kiện lịch sử này, họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những tháng năm gian khổ chiến đấu và chiến thắng.

a-duc.jpg
Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.

Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội: Tô thắm tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam, Lào và Campuchia luôn sát cánh cùng nhau đánh kẻ thù chung để giành độc lập. Tuy nhiên, từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến năm 1979, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia. Trong nước, Pôn Pốt thực hiện chính sách diệt chủng; đồng thời, chúng thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, các đơn vị chủ lực của ta đã mở cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, đẩy lui kẻ thù ra khỏi biên cương Tổ quốc. Tiếp đó, đáp lời kêu gọi và đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã chấp nhận hi sinh, gian khổ, giúp bạn giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7-1-1979, giải phóng toàn bộ đất nước và nhân dân Campuchia (17-1-1979) thoát khỏi họa diệt chủng, mang lại độc lập dân tộc cho đất nước chùa Tháp xinh đẹp.

Trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia ngày ấy, có rất nhiều thanh niên Hà Nội. Họ đã gác lại nhiều ước mơ, hoài bão, hy sinh tuổi xuân và một phần máu thịt để đánh đổ chế độ diệt chủng trên đất nước Campuchia; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 45 năm sau cuộc chiến, những người lính quân tình nguyện Việt Nam ngày ấy và là cựu chiến binh hôm nay luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của cựu chiến binh Việt Nam, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc anh em Việt Nam - Campuchia.

nho.jpg
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm Lã Văn Nho.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm Lã Văn Nho:
Vẫn luôn nhớ về sự yêu thương của người dân Campuchia

Vinh dự và tự hào là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam được tham gia chiến đấu giúp nhân dân Campuchia và trải qua các cương vị từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn tại mặt trận ác liệt nhất của cuộc chiến - Mặt trận 479, dấu ấn về những ngày tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia vẫn nguyên vẹn trong tâm trí tôi.

Đầu tháng 1-1979, trước sức tiến công như vũ bão của ta, quân địch tan rã, chính quyền Khmer Đỏ bỏ chạy. Ta mở chiến dịch truy quét tàn quân Pôn Pốt. Đơn vị chúng tôi phải di chuyển trung bình mỗi ngày khoảng 50-60km đường rừng núi. Địa bàn Mặt trận 479 trải dài 490km biên giới tiếp giáp với Thái Lan. Đơn vị chúng tôi phải cơ động tăng cường đảm nhiệm trên hướng tiến công căn cứ địch dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Yêu cầu cơ động cao, địa hình phức tạp, thời tiết hết sức khắc nghiệt, mỗi cán bộ, chiến sĩ mang trên lưng từ 9 đến 10 lít nước và đạn bổ sung. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhân dân Campuchia.

Nhân kỷ niệm 45 năm nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nhớ về những năm tháng sát cánh với quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước Campuchia, nhớ về những đồng đội đã ngã xuống, trong tâm khảm tôi luôn trào dâng cảm xúc khó tả...

phu.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Phú, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân).

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Phú, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân):
Giúp bạn là giúp mình

Năm 1978, tôi được lệnh lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn Bộ binh 429, Sư đoàn 302, Mặt trận 479, được giao nhiệm vụ chốt chặn biên giới Việt Nam - Campuchia tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Đến tháng 12-1978, đơn vị tôi được lệnh rút lên các cao điểm gần bìa rừng để tiến sang Campuchia và sau một tuần thì góp phần giúp giải phóng nước bạn. Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu tại biên giới Tây Nam của Tổ quốc, có thời điểm, đơn vị tôi chiến đấu từ 5 đến 7 trận/ngày, gian khổ đến mức “voi phải quay đầu ra” như cách nói của người bản địa. Nhưng với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, chúng tôi đã chiến đấu hết mình giúp bạn và giữ bình yên cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

2 lần bị thương với 18 mảnh đạn vẫn đang trong người, được Nhà nước công nhận là thương binh 4/4, nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương của Tổ quốc hoặc trên nước bạn xa xôi. Sau chiến tranh, tôi trở về Thủ đô tiếp tục làm công nhân Nhà máy Cơ khí Lương Yên cho đến ngày nghỉ hưu.

45 năm sau cuộc chiến biên giới Tây Nam, nhiều đồng đội của chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Là những người từng không tiếc tuổi xuân, máu xương mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa để các cựu chiến binh vơi bớt khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự hào góp sức làm nên chiến thắng, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.