(HNM) - Trong 5 thành tố được thành phố Hà Nội xác định trong chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” thì “phát triển” có thể hiểu là mục tiêu Thủ đô hướng tới, và cũng còn là phương châm trong hành động. Theo đó, sự phát triển của Thủ đô chính là mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho nhân dân; người dân cảm nhận ngày càng rõ, thụ hưởng ngày càng trọn vẹn các lợi ích, để rồi từ đó càng thêm tin tưởng, đồng hành, chung tay xây dựng thành phố cũng như đất nước.
Phát triển là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật… Phát triển luôn là nhu cầu không có điểm dừng, và trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thách thức an ninh phi truyền thống…, việc đòi hỏi có tư duy mới cho phát triển ngày càng cấp thiết.
Nói về con đường phát triển dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tư duy đúng đắn, phù hợp thực tế khách quan đó đã giúp cách mạng Việt Nam luôn thắng lợi và tiến lên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhìn lại sự phát triển của Thủ đô trong 5 năm qua, cho thấy, nếu có tư duy phát triển mới cùng quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thì sẽ thu được “trái ngọt”. Cùng với cả nước, Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện đường lối phát triển phù hợp trong “trạng thái bình thường mới” mỗi khi một đợt dịch Covid-19 được khống chế. Kết quả là trong bối cảnh nhiều địa phương có nguồn thu lớn sụt giảm, tổng nguồn thu của Hà Nội năm 2020 vẫn tăng hơn 6% so với năm 2019. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 43,2% năm 2020, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi đầu tư phát triển của cả nước.
Sự điều hành quyết liệt, sát sao của lãnh đạo thành phố cũng đã vạch đường hướng cho sự phát triển lâu dài, bền vững hơn. Tiêu biểu như dưới sự chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, ngày 22-3-2021, UBND thành phố đã công bố các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình sau rất nhiều năm “đóng băng”. Dự kiến trong tháng 6-2021, thành phố cũng sẽ công bố đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Điều đó thể hiện tư duy đột phá khắc phục những bất cập và tầm nhìn chiến lược tạo cơ sở quan trọng để thu hút các nguồn lực xây dựng Thủ đô.
Dù sự phát triển tích cực là xu thế không thể đảo ngược nhưng vẫn còn hàng loạt những vấn đề đang hằng ngày, hằng giờ cản trở sự đi lên của Thủ đô. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tăng nhanh dân số cơ học… có nguy cơ ngày càng trầm trọng. Đáng lo hơn là chủ nghĩa cá nhân, móc ngoặc, “những cái bắt tay dưới gầm bàn”, “lợi ích nhóm” vốn đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn luôn hiện hữu.
Vậy, tư duy phát triển mới với Hà Nội trong năm 2021 và các năm tiếp theo là gì? Có thể hiểu điều này qua chia sẻ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: “Lâu nay, nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của Hà Nội không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố”.Tư duy phát triển cũng không phải “quyền anh, quyền tôi” mà là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.
Trên tinh thần đó, tư duy mới để phát triển chính là tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạo cho được những chuyển biến căn bản trên mọi lĩnh vực, nhất là những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại kéo dài nhiều năm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tăng cường năng lực dự báo; chủ động, quyết liệt, linh hoạt hơn nữa trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2021. Phải sớm tiếp cận những quan điểm phát triển mới trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII để vận dụng vào kế hoạch công tác của đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, phải xóa cho được tư duy nhiệm kỳ, nóng vội, phát triển phải dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Ví dụ, khu vực đô thị hiện hữu tập trung phát triển kinh tế đô thị, chỉnh trang đô thị, nhưng khu vực ngoại thành phía Tây, phía Nam Thủ đô thì cần chọn cho mình hướng đi riêng. Với những huyện đang phát triển lên quận, cần rà soát ngay quy hoạch để có những tính toán lâu dài, gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện các tiêu chí của đô thị xanh; tránh việc xây dựng hạ tầng manh mún, ngắn hạn, sau khi trở thành quận rồi lại phải “đập đi xây lại”...
Để phát triển, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm đổi mới, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; coi hiệu quả công việc, sự phát triển của từng đơn vị, địa phương và của thành phố là “thước đo” hoàn thành nhiệm vụ.
Đổi mới tư duy phát triển, đạt cho được mục tiêu phát triển bằng tư duy mới, hành động quyết liệt để khai thông, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực không gì khác là nhằm đến năm 2045, người dân Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao hơn; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững hơn; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.