Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tối 14/9, sau khi đi sâu vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của đới gió Đông, nên từ đêm 15/9 đến hết ngày 16/9, có mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum. Từ ngày 15-18/9, có mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Đêm 15/9, ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh, biển động.
Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và từ khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên nhưng còn ở mức thấp dưới báo động 1. Dự báo ngày 15/9, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên.
Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,2m, ở mức báo động 2; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 4,5m, trên báo động 2: 0,5m; sông Hương tại Kim Long 2,0m, ở mức báo động 2; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 6,5m, ở mức báo động 1; sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,0m, trên báo động 1: 0,5m; sông tại Kon Tum 519,5m, ở mức báo động 2; ĐăkBla tại KonPlong: 594,5m, ở mức báo động 3; Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo triều. Mực nước cao nhất ngày 14/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,16m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,8m. Mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm, lúc 7 giờ ngày 14/9 là 111,55m. Dự báo Trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều sau đó xuống.
Theo Báo cáo nhanh số 365/BC-CQTT lúc 6 giờ ngày 15/9 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã có năm tàu bị chìm (Quảng Bình 2 tàu, Đà Nẵng 3 tàu).
Cụ thể lúc 7 giờ ngày 14/9, tàu QB 92021 với sáu lao động do ông Phan Ngọc Len ở Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình làm thuyền trưởng, khi đang trên đường vào bờ tránh bão bị nạn tại 16 độ 18’ Vĩ Bắc-108 độ 30’ Kinh Đông (cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 27km về phía Đông Bắc). Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã điều tàu SAR 412 ra ứng cứu, lai dắt tàu vào Đà Nẵng an toàn lúc 12 giờ 5 phút cùng ngày.
Lúc 7 giờ ngày 14/9, tàu QB 92757 cùng sáu lao động do ông Nguyễn Văn Cu ở Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình làm thuyền trưởng, trên đường vào bờ tránh bão bị chìm cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 18km. Sáu thuyền viên được tàu QB 92036 của ông Nguyễn Văn Lực cùng quê cứu vớt đưa vào bờ an toàn.
Lúc 6 giờ 30 phút ngày 14/9, tàu QB 92309 với sáu lao động do Nguyễn Văn Sự ở Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình làm thuyền trưởng, khi chạy vào bờ tránh bão bị sóng đánh chìm. Sáu người được tàu QB 92036 cứu vớt đưa vào Đà Nẵng an toàn.
Lúc 6 giờ 30 phút ngày 14/9, tàu Đna 65578 (không người trông coi) của Mai Văn Bảy ở tổ 66, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng, neo đậu tại khu vực Bãi Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng bị sóng đánh chìm.
Lúc 9 giờ ngày 14/9, tàu Đna 31695 với ba lao động của Đinh Văn Hội ở tổ 18, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng bị sóng đánh chìm khi chạy vào bờ tránh bão, người được tàu ĐNa 31442 của ông Mai Văn Kiêu cứu vớt đưa vào bờ an toàn.
Lúc 9 giờ 30 phút ngày 14/9, tàu ĐNa 46977 (không người trông coi) của Lê Văn Long ở tổ 23D, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng neo đậu tại bến Mân Thái, Sơn Trà bị sóng đánh chìm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại tỉnh Quảng Nam có hai tàu bị chìm khi neo đậu tại bến. Đến nay chưa có thông tin thiệt hại về người trên biển.
Hiện các hồ đang đóng tất cả các cửa xả và duy trì trạng thái hoạt động bình thường. Hầu hết các hồ thủy điện vừa và lớn từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mực nước đang ở mức thấp, đa số không xả qua tràn. Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam bộ hiện tại mực nước còn thấp và đạt khoảng 20-55% dung tích thiết kế. Riêng hồ Sông Mây (Đồng Nai) đã vượt 17cm.
Theo báo cáo số 213/ĐĐ ngày 14/9 của Vụ Quản lý đê điều tình hình đê điều các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, các tuyến đê kè được nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế chống được bão cấp 9, cấp 10 và tổ hợp với triều cường tần suất 5%. Đến nay, các tuyến đê vẫn an toàn chưa có thông tin về sự cố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.