(HNM) - Theo thống kê, nhiều tỉnh, thành phố nằm trong danh sách bình chọn của mảnh đất trăm nghề; tức là phải có 100 làng nghề và có nghề. Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 60% số làng nghề của cả nước.
Các làng nghề của Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào sản xuất các mặt hàng truyền thống như: Mây, tre, giang đan, đúc đồng, nón lá, vẽ tranh, rèn, mộc, chạm khắc, sơn mài, trống, chiêng… những nghề này đã có từ lâu đời, gắn liền với nền văn minh lúa nước, sản xuất tiểu thủ công, tự túc, tự cấp; và cùng với sự phát triển của đô thị tạo nên các phố nghề.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ là một thách thức với sự bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề. Đó là, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mẫu mã lạc hậu, phát triển tự phát, ô nhiễm môi trường, khó quảng bá tiếp thị với khách du lịch…
Trong mấy năm gần đây, cả nước đã có hơn 1.800 cụm công nghiệp được các tỉnh, thành phố cho phép quy hoạch với mặt bằng gần 77.000ha đất để phát triển làng nghề. Nhìn vào con số làng nghề, cụm công nghiệp kể trên chúng ta có thể vui mừng vì cơ hội đã đến với việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thực tế không phải là bức tranh hoàn toàn tươi sáng như vậy.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, 1/4 diện tích đất để làm cụm công nghiệp, phát triển làng nghề lại là cái cớ để cho các ông chủ giãn dân, hoặc làm nơi xây nhà ở, nhà dịch vụ, các loại hình kinh doanh khác. Tại sao vậy? Người ta đổ tại do địa thế không phù hợp, hạ tầng xây dựng thấp kém, đưa nghề ra nơi mới khó phát triển? Về mặt quản lý, việc quy hoạch và đầu tư các cụm công nghiệp hầu hết đều giao cho các huyện, thị xã nên ngân sách hạn hẹp, trình độ tổ chức, quản lý còn nhiều bất cập, định hướng phát triển nghề chưa có tầm nhìn… Rất nhiều nơi vì những lý do khác nhau và không phải bao giờ cũng chính đáng đã tạo ra những cụm công nghiệp, những lô đất làng nghề được sử dụng không đúng với quy hoạch. Những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đã là lý do để kéo chân sự phát triển làng nghề, phố nghề. Từ chuyện của làng nghề, bàn rộng ra đã có nhiều các dự án về quy hoạch chợ đầu mối, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân gôn, khu vui chơi giải trí… được vẽ ra và sử dụng không đúng mục đích.
Để có làng nghề, phố nghề không phải là chuyện ngẫu nhiên, muốn có là được, nên có được làng nghề phải coi như một báu vật để giữ gìn. Muốn phát triển cũng không dễ dàng gì nếu như không biết đổi mới công nghệ từ việc hoàn thiện và hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, mẫu mã… Nhiều người cho rằng giữ được nghề đã khó, phát triển nghề trong thế kỷ XXI càng khó khăn hơn.
Hà Nội chào đón Đại lễ 1000 năm tuổi, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng trân trọng, nâng niu những giá trị truyền thống của cha ông. Chúng ta tự hào với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 36 phố phường; tự hào với các phố nghề như một thông điệp của làng nghề, đất nghề cha ông để lại. Nhưng phát triển nghề, phố nghề không phải là một khẩu hiệu. Các cụ có câu: Hoa sen nở hoa bèo cũng nở, ý là nên học theo chứ không nên bắt chước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.