(HNM) - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII (chiều 12-6), trả lời câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập, không lệ thuộc vào nước ngoài? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đến nay, chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào.
(HNM) - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII (chiều 12-6), trả lời câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập, không lệ thuộc vào nước ngoài? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đến nay, chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào. Từ năm 2010, Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường, tới đây, chúng ta sẽ có một số hiệp định thương mại lớn; đến năm 2015, thương mại sẽ phát triển đa dạng. Phó Thủ tướng cho biết thêm: Chúng ta luôn giữ mối quan hệ đầu tư thương mại, du lịch với Trung Quốc trên tinh thần cả hai bên cùng có lợi…
Đa dạng hóa thị trường để tránh mọi sự lệ thuộc không phải vấn đề mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc liên tiếp tạo ra những bất ổn sau việc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trên vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì đây thật sự là vấn đề rất đáng quan tâm. Lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội về sự "lệ thuộc" vào một vài thị trường là có cơ sở. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng hiện nay, không có sự lệ thuộc, cũng như độc lập kinh tế hoàn toàn. Vấn đề lúc này là đưa ra những chiến lược ứng phó thích hợp chứ không phải chạy từ thái cực này sang thái cực khác với tư duy cực đoan và cảm tính.
Trước hết, trong một nền thương mại toàn cầu, mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ với nhau. Việt Nam là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc, các hoạt động giao thương với Việt Nam mang lại nguồn thu lớn cho một số tỉnh có đường biên giới chung với nước ta… Trung Quốc có rất nhiều lợi ích từ các dự án đầu tư, từ các hoạt động thương mại với Việt Nam nên chắc chắn sẽ phải cân đong lợi ích trước khi ra những quyết định có thể gây bất lợi về kinh tế. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nước nhà vẫn phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, Việt Nam khó có thể xây dựng được một nền kinh tế tự chủ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD (chủ yếu là nông sản, các nguyên liệu thô); nhập về 36,96 tỷ USD (gồm nguyên vật liệu, phụ kiện cho ngành dệt may, da giày, linh kiện điện thoại di động, trang thiết bị cho các nhà máy điện)… và hiện nay, Trung Quốc đang đứng thứ 8 trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (chủ yếu trên các lĩnh vực sắt thép, xi măng...). Hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam khá đa dạng, giá cả phải chăng so với các đối tác cạnh tranh, nhưng chất lượng chỉ vào loại "thường thường", chưa kể công nghệ Trung Quốc không chỉ tiêu hao năng lượng lớn, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đáng quan ngại hơn là nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, máy móc nhập từ Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn, có thể chi phối đầu vào, gây bất ổn cho các hoạt động sản xuất và chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam (50-60% nguyên phụ liệu của ngành dệt may nhập từ Trung Quốc; 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công). Nếu công nghệ và nguyên phụ liệu Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, chắc chắn không ít doanh nghiệp sẽ phải còng lưng gánh chịu những hệ lụy, trước hết là vấn đề về công nghệ, dẫn đến suy giảm năng suất và trong tương lai không xa là nguy cơ suy giảm kinh tế. Vậy làm thế nào để thoát khỏi sự chi phối ấy? Có cần thiết phải thu hẹp quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc không?
Nhập siêu từ Trung Quốc không phải vấn đề mới và không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh như Nhật Bản, Singapore… cũng nhập siêu từ Trung Quốc. Theo số liệu của JETRO, năm 2012, Nhật Bản nhập siêu 44 tỷ USD từ Trung Quốc và nước này là bạn hàng thương mại lớn của Nhật Bản (chiếm tới 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản năm 2012). Vì sao một quốc gia có nền tảng công nghệ kỹ thuật cao như Nhật Bản vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc? Vì sao công nghệ và hàng hóa Trung Quốc có rất nhiều vấn đề, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn mở rộng giao thương với nước này? Cốt lõi và nguyên nhân sâu xa chính là lợi ích. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam không thể từ chối nguồn cung nguyên vật liệu từ "công xưởng của thế giới" và không thể không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới. Vấn đề là tìm giải pháp để đạt được lợi ích cao nhất (hai bên cùng có lợi).
Làm thế nào để hạn chế được những hiệu ứng tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời bảo đảm sự tự chủ làm nền tảng phát triển bền vững nền kinh tế? Những vấn đề này cần được tính toán, cân nhắc và trong bối cảnh hiện nay, cần được nhìn nhận với một tâm thế mới để có thể đưa ra những giải pháp vừa mang tính dự phòng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Bên cạnh các giải pháp mang tính điều chỉnh đối với "những vấn đề nóng" đang làm xô lệch cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc, giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, có thể nhập khẩu hàng hóa, công nghệ chất lượng cao của nhiều quốc gia phát triển với giá cả hợp lý hơn... Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp tận dụng, bổ sung nguồn cung, bớt phải lo lắng khi "người hàng xóm" làm mình, làm mẩy; đồng thời có thể hạn chế được tình trạng hàng hóa nguyên liệu Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhà thầu và lao động Trung Quốc có mặt khắp nơi... Quan trọng hơn, chúng ta có thể tránh được những hệ lụy từ việc Trung Quốc "nuốt trọn" những nỗ lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường khác để rồi chính Việt Nam lại lún sâu và phụ thuộc vào một thị trường...
Tuy nhiên, bước vào một "sân chơi" lớn, chúng ta cũng phải chấp nhận những quy định khắt khe. Nếu các nhà quản lý và giới doanh nghiệp không có định hướng cho tương lai, không chỉ chúng ta đánh mất cơ hội "vàng" mà đáng ngại hơn, rất có thể sẽ "phơi lưng trên chính sân nhà". Do vậy, một giải pháp không mới nhưng phải quyết liệt thực hiện với một tinh thần mới, đó là đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Nhưng quan trọng hơn, mỗi doanh nghiệp cần ý thức rõ ràng về việc thay đổi chuỗi cung ứng, nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm khả năng bị tổn thương; đồng thời mở rộng "phần bánh" xuất khẩu cho chính mình.
Tóm lại, việc Việt Nam nhập siêu quá lớn và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường công nghệ và nguyên phụ liệu Trung Quốc là vấn đề không mới. Nhưng như đã nêu trên, khi người hàng xóm Trung Quốc không còn tôn trọng tinh thần "4 tốt" và "16 chữ vàng" thì đây cần được xem là một thách thức. Bên cạnh những nguy cơ trong ngắn hạn, thách thức cũng có thể biến thành cơ hội để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là không tránh khỏi. Do vậy, việc duy trì quan hệ thương mại bình thường, ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc là hết sức cần thiết, phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Những động thái tẩy chay, kỳ thị, phá hoại hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc là thiếu tỉnh táo và không thể chấp nhận.
Tinh thần tự cường của mỗi doanh nghiệp đã và sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài. Nhưng, cũng phải nói rằng: Sức mạnh của nền kinh tế không chỉ được quy chiếu bằng số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, càng không có nghĩa là biến thị trường của mình thành ốc đảo. Chúng ta cần chứng minh năng lực thực sự của mình. Sản xuất hàng hóa chỉ là một thế mạnh, điều quan trọng là tạo ra những tiền đề để các nhà đầu tư thấy được lợi ích khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Và quan trọng hơn là những giải pháp về cơ chế, chính sách để tận dụng nguồn tài chính và công nghệ của các nước tiên tiến làm nền tảng tạo ra động lực cho sự phát triển. Và điều không kém phần quan trọng là để có nền kinh tế phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phải tạo ra những sân chơi bình đẳng, các bên tham gia đều có thể tìm kiếm lợi ích.
Một điều nữa rất đáng nói là dù có mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường thế nào, nhưng nếu hàng hóa Việt không có vị trí trong trái tim người Việt, công nghệ Việt không mang đến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì khó có thể nói đến những vấn đề như tự chủ, tự cường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.