Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tu bổ để bảo tồn di sản

Thanh Thủy| 12/11/2017 07:33

(HNM) - Tu bổ, tôn tạo là nhiệm vụ quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đây cũng là hoạt động còn nhiều hạn chế, cần thêm những giải pháp mới, hiệu quả hơn.

Tu bổ, tôn tạo rất quan trọng nhưng cần bảo đảm yếu tố nguyên gốc của di tích. Ảnh: Sơn Hà


"Vô tư" vi phạm, chậm khắc phục

Sở VH-TT Hà Nội vừa có Công văn số 4141/SVH-QLVH ngày 3-11 báo cáo Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hà Nội, Cục Di sản văn hóa về tình hình xây dựng tại di tích chùa Khúc Thủy (Cự Khê, Thanh Oai), đồng thời đề xuất các biện pháp khắc phục. Cụ thể, Sở VH-TT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thanh Oai tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích; quản lý mặt bằng và không gian di tích theo đúng quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội; tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ thảm nền nhà Tiền đường, các tranh, mảng rèm trang trí không phù hợp tại nhà Tổ, đôi sư tử đá trước nhà Tam bảo; xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời không để xảy ra vi phạm mới tại di tích...

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý có ý kiến về những sai phạm trong tu bổ, tôn tạo tại khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia này. Từ năm 2016 đến nay, Sở VH-TT Hà Nội đã có nhiều đợt kiểm tra, yêu cầu địa phương chấn chỉnh những vi phạm làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, không gian tại chùa Khúc Thủy. Tuy nhiên, những tồn tại vẫn chưa được khắc phục. Trước đó, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (Phù Đổng, Gia Lâm) cũng đã xảy ra những vi phạm tương tự khi sử dụng sơn thếp không bảo đảm về mỹ thuật, màu sắc không phù hợp với truyền thống cho nhiều hạng mục, trong đó “tai hại” hơn cả là làm biến dạng các bức chạm khắc nghệ thuật có hàng trăm năm tuổi. Mặc dù đã được Sở VH-TT Hà Nội đề nghị tìm giải pháp, nhưng việc khắc phục sai phạm chưa thực hiện, địa phương đã lên kế hoạch khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích khiến cơ quan quản lý phải yêu cầu dừng lại.

Những vi phạm về tu bổ, tôn tạo di tích kể trên không còn là chuyện hiếm trên địa bàn Hà Nội, trong đó đáng kể là những lỗi do hạn chế về nhận thức dẫn đến tình trạng "vô tư" làm thay đổi yếu tố gốc của di tích. Phổ biến nhất là các vi phạm tự ý xây dựng hạng mục phụ trợ, không theo quy hoạch tổng thể, dẫn đến việc các công trình sắp xếp lộn xộn, phá vỡ kiến trúc truyền thống. Đơn cử như chùa Đậu (Nguyễn Trãi, Thường Tín) xây lầu vọng không phải kiến trúc thuần Việt; đền thờ và lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây) xây bình phong không phù hợp; chùa Bồ Đề (Bồ Đề, Long Biên), chùa Vân Hoạch (Xuân Canh, Đông Anh) xây công trình hai tầng trong khuôn viên di tích...

Bảo đảm yếu tố nguyên gốc

Nói về thực trạng tu bổ, tôn tạo di tích, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Hà Nội có số lượng di tích lớn, trải dài trên địa bàn nên cần đội ngũ cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm và sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, thực tế cán bộ làm công tác quản lý di tích cấp cơ sở chỉ có một người, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nên khó đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, công tác thiết kế, thi công tu bổ di tích cũng rất cần đội ngũ thợ lành nghề, hiểu biết về bảo tồn để bảo đảm thực hiện đúng những nguyên tắc và yêu cầu cốt lõi trong trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, lực lượng này hiện chưa có nhiều...

Để khắc phục tình trạng này, Sở VH-TT Hà Nội đã đề nghị Bộ VH-TT&DL nghiên cứu mô hình tổ chức ban quản lý di tích cấp huyện đối với các di tích có phạm vi, quy mô rộng hoặc có giá trị đặc biệt. Đối với những người trực tiếp tham gia quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, cần có kế hoạch đào tạo thợ chuyên ngành, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu tìm các vật liệu thay thế cho chất liệu gỗ, kỹ thuật tu bổ bảo đảm sự đồng bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình. Song song với đó, cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ trùng tu, tôn tạo di tích...

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị: Luật Di sản văn hóa và rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn di tích đã có. Điều cần quan tâm là việc thực thi luật tại các địa phương. Chẳng hạn, trong việc thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, nếu được trao đổi rộng, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, đồng thời quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát, của chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân nơi có di tích, chắc chắn sai sót, vi phạm sẽ khó nảy sinh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đề nghị, tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các ban, ngành, các cấp để kịp thời ngăn chặn những vi phạm từ khi manh nha, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Về lâu dài, cùng với việc có thêm nhiều cách quản lý mới, cần duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, người tham gia quản lý di tích cũng như người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tu bổ để bảo tồn di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.