Từ tháng 1/2011, các trường đại học ở Pháp sẽ tự lo cho “số phận” của mình, theo báo Le Figaro số ra ngày 31/12/2010. Các trường này sẽ phải tự quản lý nguồn nhân lực, ngân sách mà trước đây họ phải tuân theo sự hướng dẫn của Nhà nước.
Cụ thể, 73 trường đại học, trong đó 22 đại học mới ở Pháp sẽ thực hiện chế độ tự chủ.
Như vậy, sau ba năm rưỡi thông qua luật cải cách giáo dục, 90% các trường đại học tại quốc gia này sẽ thực hiện chế độ tự chủ và còn lại chín trường nữa sẽ hoàn thành việc này trước ngày 11/8/2012.
Việc tự chủ cho phép các trường tự đưa ra những giới hạn về việc trả lương và thực hiện những chính sách khác liên quan đến việc chi trả các chi phí dịch vụ và tuyển dụng nhân sự.
Một số trường đại học có thể mền dẻo hơn trong việc chi tiền thưởng theo những hợp đồng làm việc không xác định thời hạn như trường Đại học Metz. Một số trường khác như trường Đại học Paris 7 có thể tuyển các nhà nghiên cứu và giáo viên nổi tiếng ở nước ngoài.
Đại học Paris Diderot, hay được gọi là Paris 7.
Tuy nhiên, bài báo đưa ra sự lo ngại của một số chủ tịch trường cho rằng, ngoài việc tạo sự năng động cho mỗi trường và phát huy sáng kiến của mỗi cơ sở, việc áp dụng tự chủ tài chính sẽ làm nảy sinh stress cho đội ngũ cán bộ nhân viên khi vấp phải sự cạnh tranh giữa các trường đại học và cách thức bầu hội đồng quản trị.
Theo ông Louis Vogel, chủ tịch Hội nghị Chủ nhiệm các trường Đại học cho rằng, để đảm bảo sự thành công của chính sách tự chủ tài chính đối với các trường đại học, Nhà nước phải theo sát những những cố gắng về tài chính của các trường.
Ngoài ra, đến giai đoạn tiếp theo, các trường đại học sẽ đánh giá về tài sản cố định của mình, tự chi trả việc mua bán bất động sản kể cả đất đai.
Hiện nay, bất kỳ trường đại học nào ở Pháp muốn mua một tòa nhà cũng phải xin phép Nhà nước để có sự đồng ý về mặt nguyên tắc, và sau đó là về tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.