Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyện trinh thám - hình sự: Sức hút thể loại hay tiếng gọi lương tri?

Đăng Hoàng| 21/08/2016 07:30

(HNM) - Tại cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 2010, ba nhà văn Nguyễn Đình Tú, Di Li và Nguyễn Xuân Thủy đã đoạt giải cao với các tiểu thuyết Phiên bản, Trại hoa đỏ và Sát thủ Online.


Tác phẩm “Có tiếng người trong gió” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy được nhiều bạn trẻ đón đọc.


Bất lợi của đề tài và khoái thú tưởng tượng

Nếu như viết về các đề tài khác, nhà văn hoàn toàn có thể lấy mình làm nhân vật, có thể huy động vốn sống trải nghiệm thực tế, thì với đề tài hình sự - trinh thám, nhà văn phải nỗ lực nhập vai, hóa thân, phải dày công tìm hiểu, nghiền ngẫm tri thức sách vở, tri thức xã hội, và đặc biệt phải phát huy tối đa năng lực tưởng tượng của mình.

Kiến dệt hiện thực bằng tưởng tượng mang lại cho người viết những khoái cảm đặc biệt. Nguyễn Đình Tú chia sẻ, nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng hình sự của anh có bóng dáng của những tên trùm tội phạm khét tiếng như Năm Cam, Dung Hà, Minh Sứt, nhưng chỉ là bóng dáng thôi, bởi nhà văn luôn phải sáng tạo ra những nhân vật, câu chuyện của riêng mình. Cùng quan điểm ấy, Nguyễn Xuân Thủy nói, mặc dù vùng hiện thực nhức bỏng mà hai cuốn sách của anh chiếm lĩnh (tội phạm internet và tội phạm mua bán người, kinh doanh nội tạng xuyên quốc gia) có thừa những câu chuyện ở ngoài đời, rải trên mặt báo mỗi ngày, nhưng anh đã không bê vào tác phẩm, bởi tác giả cần có câu chuyện của riêng mình. Nói cách khác, cái gọi là đề tài chỉ là đường băng để anh cất cánh bay vào thế giới của tưởng tượng, của sáng tạo.

Càng rút ngắn cự ly tiếp cận, dấn nhập với bề bộn ngổn ngang đời thì biên độ trí tưởng tượng càng được nới giãn, logic nghệ thuật càng tương thích với logic cuộc sống. “Nhà văn là người không làm nghề gì nhưng phải làm rất nhiều nghề” - Nguyễn Xuân Thủy nói. Với Di Li, để viết được ba dòng liên quan đến kiến thức chuyên ngành, có khi nữ nhà văn này phải tìm đọc cả một cuốn sách nghìn trang. “Logic làm nên sức hấp dẫn của truyện trinh thám. Muốn sản phẩm của tưởng tượng không phi logic thì buộc người viết phải dày công tự làm đầy hiểu biết của mình. Phải đào sâu, nhận biết, thông hiểu con người để dựng một cách sinh động nhất, thực nhất chân dung đa diện, phức tạp, bí ẩn của nhân vật, kể cả nhân vật chính diện, chứ không phải là dựng những nhân vật đơn giản, một chiều, công thức, máy móc... Sức hấp dẫn với người viết truyện trinh thám cũng giống như ‘hấp lực’ đối với người giải câu đố vậy” - nữ nhà văn nói.

Tích hợp đề tài

Nếu như hai tác phẩm của Di Li có thể xem là những tác phẩm thuần trinh thám - hình sự thì Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Xuân Thủy chỉ nhận những tác phẩm của mình có yếu tố hình sự mà thôi. Ngoài câu chuyện phá án, hai nam nhà văn này đã tích hợp nhiều câu chuyện khác, nhằm nới giãn đến mức tối đa tính bề bộn, đa nghĩa, đa thanh cho tác phẩm của mình. Có nghĩa, bên cạnh “thức ăn chính” là những “thức ăn kèm” hợp lý mà hai nhà văn này muốn trình thực khách trong tổng phổ “bữa tiệc tiểu thuyết” của mình.

Cầm bút trong thời đại văn học buộc phải cạnh tranh khốc liệt trước sự bành trướng của các lĩnh vực giải trí nghe nhìn, những nhà văn thức thời ý thức rất cao việc làm thế nào để có thể gia tăng tối đa hàm lượng tính hấp dẫn ở tác phẩm của mình. “Văn học nói chung đã khác trước, không ngừng vận động và thay đổi. Người viết tiểu thuyết hôm nay không thể không có những suy tư trước sự đổi mới trang viết của mình” - Nguyễn Đình Tú chia sẻ.

Còn Nguyễn Xuân Thủy thì nói: “Không nên áp theo công thức mà phải phá vỡ công thức, tự mình đề xuất công thức mới khi viết truyện trinh thám - hình sự”.

Đề tài - phương tiện hay là mục đích tự sự?

Về lý do mình “thiên vị” đề tài hình sự khi chúng trở đi trở lại trong ba trên tổng số tám tiểu thuyết đã xuất bản, Nguyễn Đình Tú lý giải: “Tôi yêu thích các hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, công việc của những chiến sĩ công an nói riêng, bởi nó hội tụ đầy đủ muôn mặt cuộc đời. Tuy nhiên, với một nhà văn chuyên nghiệp thì mọi đề tài chỉ là cái cớ để họ nhấc bút lên, trải lòng mình về cuộc đời này mà thôi. Khi sáng tác, tôi luôn tâm niệm rằng, tôi đang viết về những thân phận người. Ám ảnh thân phận là thứ duy nhất chi phối tôi trong suốt quá trình sáng tác”.

Từ khi xuất hiện đến nay, bảy tiểu thuyết hình sự của ba nhà văn kể trên đã lần lượt chiếm được phân khúc thị trường văn học đáng kể, được trao giải, được tái bản nhiều lần. Không những thế, Sát thủ Online của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Hồ sơ một tử tù của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã được VTV chuyển thể thành phim truyền hình. Mới đây nhất, tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Tiểu thuyết Trại hoa đỏ của nhà văn Di Li cũng đã có đơn vị đặt vấn đề mua bản quyền chuyển thể thành phim.

Rõ ràng, trước bề bộn đời sống hiện thực đã hiển lộ ngày một nhiều những nhà văn dấn thân, nhập cuộc. Và sự hấp dẫn của đề tài xét cho cùng là phương cách để đáp lại tiếng gọi nhân tính. Viết đã trở thành hành động cất tiếng của lương tri, để chống lại sự lãng quên con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện trinh thám - hình sự: Sức hút thể loại hay tiếng gọi lương tri?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.