Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thông quốc tế đánh giá cao thành công của kinh tế Việt Nam

Theo Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)| 27/12/2019 16:47

Nhờ việc phát huy nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á trong 2019.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chững lại và kinh tế khu vực cũng yếu hơn, các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng như các tổ chức tài chính, chuyên gia quốc tế đã nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.

Nhờ việc phát huy nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2019.

Điểm đến hấp dẫn đầu tư

Tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài viết trong đó nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Đông Nam Á và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để biến đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư. Các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus cũng như các nhà sản xuất giày như Nike và Adidas đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 69 về chỉ số môi trường kinh doanh. Một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư là thuế ưu đãi cho doanh nghiệp lớn đang muốn chuyển hoạt động sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được ưu đãi thuế 0% trong 5 năm đầu tiên, 5% cho 10 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm sau đó.

Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore đã có bài viết ca ngợi nền kinh tế Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, một phần nhờ vào thành quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã phát huy nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, và tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại quốc tế nên ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington (Mỹ), bà Deborah Elms, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Asian Trade Centre có trụ sở ở Singapore, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện rất tốt trong việc tăng cường nội lực để có thể ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ bên ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đặc biệt, hồi cuối tháng 6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết hai hiệp định thương mại quan trọng gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Trong khi đó, hãng Reuters cho rằng dòng vốn FDI là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70% xuất khẩu.

Hãng tin Regnum cũng nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam như tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, vượt trước các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm thép cán nguội của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoa Sen Nghệ An, Khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An). (Ảnh: TTXVN)

“Bước nhảy vọt" về năng lực cạnh tranh

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 của năm 2018 lên mức xếp hạng 67 trong năm 2019. WEF cho rằng, Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Ông Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với đài Sputnik: “Nền kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định".

Chuyên gia Nga nói thêm: “Bí quyết chính mang lại sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở Việt Nam là đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khung giờ vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục xác minh, triển khai chính phủ điện tử, nền kinh tế kỹ thuật số, triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN, khuyến khích khởi nghiệp...”.

Theo báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2019 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng ba bậc lên thứ 42/129 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay.

Theo ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả báo cáo GII, Trưởng bộ phận kinh tế và thống kê của WIPO, Việt Nam là quốc gia hình mẫu trong số các quốc gia mà WIPO khảo sát theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 3 năm qua.

Ông Sacha Wunsch-Vincent nói thêm WIPO đã triển khai hợp tác sâu rộng với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, để cải thiện hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo. Có thể nói rằng Việt Nam là quốc gia chủ động và tích cực nhất trong những nước này. Và các nỗ lực đã mang lại những thành quả khi Việt Nam đã liên tục được thăng hạng trong những năm qua.

Tạp chí U.S. News & World Report cũng công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm 2019. Việt Nam xếp thứ tám trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.

US News & World Report đánh giá rằng, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn. Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hội nhập hơn khi trở thành thành viên của các hiệp định thương mại lớn.

Còn theo kết quả khảo sát Expat Insider do mạng lưới InterNations công bố mới đây, Việt Nam nổi lên như một “thiên đường", quốc gia và địa điểm hàng đầu dành cho người nước ngoài đến trải nghiệm và làm việc. Việt Nam, tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 14 năm 2018 vươn lên ngôi Á quân trong bảng xếp hạng những nơi sống và làm việc tốt nhất theo đánh giá của người nước ngoài.

Kết quả khảo sát cho thấy: “Gần như không có nơi nào trên thế giới tốt hơn Việt Nam về 2 tiêu chí Tài chính cá nhân và Làm việc ở nước ngoài, cùng với sự cải thiện về chất lượng cuộc sống cũng như khả năng dễ dàng hòa nhập và ổn định tại quốc gia này".

Dây chuyền sản xuất, kiểm tra các bản mạch điện tử dạng dẻo, nhiều lớp tích hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Young Poong Electronics VINA tại khu công nghiệp Bình Xuyên II (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)

Dự báo tăng trưởng ấn tượng

Hãng tin Bloomberg đưa tin, các chuyên gia kinh tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% trong quý III-2019. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chững lại, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam vẫn sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay và còn tiếp tục phát triển trong những năm tới. Bloomberg nhận định Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng.

Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 lên 7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong khi Capital econom Ltd. giữ nguyên mức tăng dự báo là 7%.

Hai chuyên gia kinh tế của Maybank là Linda Liu và Chua Hak Bin nhận định FDI gia tăng và “nhu cầu nội địa tăng cao, thể hiện qua mức tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ gần đây", sẽ giữ ổn định đà phát triển của kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Ngân hàng HSBC dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm 2019.

Ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm 2019 với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2021.

Trái ngược với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.

Lý do mà ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam là nhờ sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư gia tăng, sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh, môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định...

Xe VinFast của tập đoàn Vingroup, thương hiệu xe Việt đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trong buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên trong tháng 12-2019, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm phần trăm (tính trên GDP) so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp 4 năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Đánh giá về khả năng chống chọi của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của WB khẳng định, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với mức bình quân thu hút dòng FDI cam kết gần 3 tỷ USD/tháng.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh với mức lương dần tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng.

Dù kinh tế khu vực yếu hơn, song tăng trưởng vững trong cả xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam đã đưa mức tăng trưởng kinh tế của quý III-2019 đạt 7,31%. Tốc độ tăng trưởng của quý III-2019 góp phần đưa tăng trưởng GDP trong 9 tháng tăng cao nhất trong 9 năm gần đây. Ðây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam có thể bứt phá và phản ánh dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP năm 2019 tăng 7,02%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông quốc tế đánh giá cao thành công của kinh tế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.